Kinh phí kì thi tốt nghiệp công khai có gì mà… “không thể cung cấp”?

(Ngày Nay) - Với ý định tính toán xem xã hội đã tiêu tốn bao nhiêu nhân lực, tài lực chỉ để loại một số rất ít thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, phóng viên đã nhiều lần liên hệ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, tìm hiểu thông tin về mức chi phí cho kì thi năm nay. Nhưng cũng rất nhiều lần đại diện Sở GD&ĐT trả lời rằng: “Không cung cấp được”. Vậy kinh phí một kì thi công khai, có gì mà… “không thể cung cấp”?
Tổ chức một kì thi tốn kém chỉ để loại được rất ít em học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Giàu
Tổ chức một kì thi tốn kém chỉ để loại được rất ít em học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Giàu

Đến hẹn lại lên, năm nào cả xã hội cũng luận bàn về việc nên hay không tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, khi mà kết quả luôn nằm ở mức 98 – 99% thí sinh đậu tốt nghiệp. Năm nay, kì thi phải chia làm 2 đợt do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Đợt thứ nhất tập trung 880.000 thí sinh trên cả nước, với kết quả 98,34% thí sinh đậu tốt nghiệp. Tại TP.HCM, tỉ lệ đậu là 99,44% với hơn 74.000 em học sinh tham gia. Rất dễ để tính toán ra rằng, toàn thành phố năm nay chỉ có khoảng 41 em học sinh rớt tốt nghiệp.

Để loại được khoảng 41 em học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, toàn thành phố phải gồng mình tổ chức một kì thi. Học sinh lo lắng, hàng ngàn phụ huynh lo lắng, ngoài ngành giáo dục, còn có ngành y tế, cảnh sát giao thông, công an, dân quân, sinh viên tình nguyện… Sau khi thi xong còn phải chấm thi, phúc khảo, bảo quản bài thi…

Kinh phí kì thi tốt nghiệp công khai có gì mà… “không thể cung cấp”? ảnh 1

Kì thi diễn ra giữa dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khiến toàn thành phố phải gồng mình tổ chức, phụ huynh, thí sinh lo lắng, cuối cùng chỉ để loại được 41 em học sinh không thể tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Giàu

Mức tiêu tốn nhân lực, công sức của xã hội thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng chúng tôi mong muốn có một con số cụ thể, chính xác về số tiền mà ngân sách và xã hội phải chi để loại đi một em học sinh không thể tốt nghiệp THPT, và đoan chắc đó là con số khá lớn. Để có thể tính toán được con số này, ngày 3/9, phóng viên đã liên lạc với Sở GD&ĐT TP.HCM, xin thông tin về chi phí kì thi.

Tiếp phóng viên là ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Nguyên cho biết, mình không có thẩm quyền cung cấp những con số này. Khi phóng viên hỏi, ai mới có thẩm quyền cung cấp, thì ông Nguyên hướng dẫn gửi câu hỏi qua địa chỉ thư điện tử: sgddt@tphcm.gov.vn. Ông Nguyên còn cho biết, dù cung cấp được, hay không, đều sẽ có người trả lời thư.

Chúng tôi đã gửi thư điện tử như ông Nguyên hướng dẫn, nhưng đến ngày 8/9, vẫn chưa có được phản hồi. Tiếp tục sang Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên trả lời rằng, mình đã thông báo, cũng như trình bộ câu hỏi của phóng viên lên ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng, và việc có trả lời hay không ông Nguyên không thể biết.

Tiếp tục gặp ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT, ông Trung lại cho rằng: “Mức kinh phí tôi không thể trả lời được, vì chị không phải là kiểm toán”. Phóng viên cho rằng, đây là kì thi công khai, thì không có lý do gì không thể cung cấp cho báo chí con số này, ông Trung trả lời: “Không cung cấp được”. Ông Trung đưa ra lý do chưa quyết toán hết, vẫn đang phúc khảo, thì phóng viên xin cung cấp con số dự toán. Vì trước khi kì thi diễn ra, đây là con số buộc phải có trên các đề án thi tốt nghiệp THPT của địa phương. Ông Trung khẳng định, tổng chi phí cho kì thi tốt nghiệp năm nay, đẫu đang dịch bệnh Covid-19 cũng không chênh lệch nhiều so với dự toán, nhưng về con số cụ thể ông Trung không thể cung cấp. Nghĩa là ông Trung vẫn nắm được con số dự toán, nhưng từ chối cho biết.

Khi phóng viên hỏi: Vậy khi nào quyết toán xong thì có thể cung cấp con số này không, và nếu ông Trung không cho biết được, thì ai là người nắm thông tin này? Ông Trung vẫn tiếp tục khẳng định: “Về chi phí tôi không thể cung cấp với các lý do đã nêu, và từ xưa giờ cũng không ai hỏi về chi phí này”.

Mức kinh phí dự toán cho một kì thi công khai là điều mà bất kì người dân bình thường nào cũng có quyền được biết. Vậy mà khi báo chí muốn thông tin đa chiều đến người dân, muốn có thông tin cụ thể, để góp phần xây dựng một nền giáo dục không tiêu tốn quá nhiều nguồn lực xã hội, lại nhận về câu trả lời: “Về chi phí thì không thể cung cấp được” của các lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM.

Vậy rốt cục, con số lý ra phải công khai này, có cái gì mà không thể cung cấp được?

Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.