Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 2: Thương hồ ở chốn phồn hoa

(Ngày Nay) - Không dưng mà lưu lạc, rồi không dưng mà thành thị dân Sài Gòn. Những thị dân này gắn bó với Sài Gòn lâu đến độ không còn biết về đâu nếu phải rời đi, lâu đến độ Sài Gòn đã là quê hương của những người tha phương vô định lối về. Nỗi lòng này, nếu ai đó một lần đến các xóm ngụ cư, một lần trò chuyện với người ngụ cư thì mới thấu hiểu.
Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 2: Thương hồ ở chốn phồn hoa ảnh 1

Bên trong một mái nhà tạm bợ lênh đênh kiếp sống thương hồ

Đời thương hồ thời 4.0

Xóm nằm bên cạnh dòng Kênh Tẻ thuộc địa bàn Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Không khó bắt gặp những căn nhà xập xệ, được che chắn tạm bằng những mái tôn cũ nát, những mảnh bìa các-tông nham nhở, nhà nối nhà, lều nối lều, vách nối vách nằm vắt mình trên những chiếc cọc nối cọc, chống chọi yếu ớt nổi lênh đênh trên mặt nước lên xuống theo mùa. Ấy vậy mà đó lại là những “chốn đi về” của hàng trăm con người ngụ cư.

Các gia đình sống trong các căn nhà ổ chuột này hầu hết là người lao động nghèo, dân tứ xứ từ các tỉnh đổ về Sài Gòn lập nghiệp. Họ làm đủ thứ nghề, buôn thúng bán bưng, lượm ve chai, bán vé số... để mưu sinh qua ngày.

Những căn lều ở khu ổ chuột này được hình thành một cách tự phát, rất nhiều năm về trước, có người nói 20 năm, có người nói 30 năm, có người nói nói nhiều hơn nữa… những người dân nghèo đến mức không một mảnh đất cắm dùi đã ra khu vực ven sông, dựng lều bạt để có chỗ ngả lưng mỗi tối sau cả ngày dài bươn bả kiếm sống. Những căn lều ấy theo thời gian “nở” dần ra để đủ chỗ cho việc sinh hoạt gia đình, dần dần cơi nới ra ngoài, rồi dần dần dìu dắt nhau về. Xóm hình thành như thế…

Nếu có ai hỏi những người dân sống ngụ cư ở xóm kênh Tẻ rằng họ phải dân Sài Gòn chính gốc không, thì chính họ cũng sẽ hoài nghi, không biết có phải không?! Họ đều không quê, đều chỉ biết có mỗi Sài Gòn, họ cũng được gọi là thị dân. Nhưng những thị dân này số phận còn kém may mắn so với những thị dân khác.

Những ngày nóng, những căn lều tạm cư giống như những lò lửa, ban ngày không ai dám ở trong vì không thể chịu nổi sức nóng cộng với những mùi hỗn hợp của rác, của nước dưới kênh bốc lên. Ngày mưa càng cực hơn, nước dâng lên, tràn vào từng căn lều, dẫu có giống như ổ chuột chì cũng không còn nhìn ra ổ chuột nữa. Bởi mỗi nhà, mỗi lều đều là một biển nước mênh mông.

Dù vậy, cư dân ở đây dường như không ai có ý nghĩ sẽ rời đi, bởi có lẽ với họ, muốn đi cũng không biết phải đi đâu? Về đâu?. “Nếu phải dọn đi, chúng tôi thật sự không biết phải đi đâu. Cứ ở qua một ngày là mừng một ngày, vậy mà cũng ở gần 30 năm rồi”. Bà Thanh (55 tuổi, ngụ Q.4) chia sẻ.

Năm nay đều ngoài 50 tuổi, vợ chồng ông Lê Văn Thảo đã trải qua hơn 15 năm sống trong căn lều tạm có bề ngang 1,5 m, chiều dài 4,5 m. Những tấm gỗ mục theo ông nhiều năm chắp vá cho mái lều, rũ rượi là giấy bìa, tấm bạt, vải mục nhét chằn gió lùa mưa tạt khắp các lỗ trống. Diện tích chưa đầy 7 mét vuông này chính là tổ ấm của 4 người, gồm vợ chồng ông, con trai và cháu đích tôn.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 2: Thương hồ ở chốn phồn hoa ảnh 2

Để có chỗ ngủ cho cả gia đình, ông đã cơi nới thêm một gác nhỏ khoảng 3,5 mét vuông để cho con trai và cháu ở trên.

Ông Thảo kể rằng, đầu năm 2000 ông phiêu bạt tứ xứ, làm đủ nghề rồi trôi dạt về Sài Gòn kiếm sống, miếng đất và căn lều này là người chủ cũ dọn đi bán rẻ lại cho ông. Ông Thảo nhẩm tính, không nhớ rõ là 2 hay 3 chỉ vàng gì đấy?!

Kể về những sinh hoạt của cả gia đình trong căn nhà bé xíu, ông Thảo cho biết, để có chỗ ngủ cho cả gia đình, ông đã cơi nới thêm một gác nhỏ khoảng 3,5 mét vuông để cho con trai và cháu ở trên. Hai vợ chồng ông ngủ ở dưới nền nhà. Đó cũng là nơi chứa tất cả đồ đạc, vật dụng trong gia đình, cũng là nơi nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, vệ sinh...

Hỏi vợ chồng ông Thảo sao không về quê cho đất rộng, người thưa và cuộc sống dễ dàng hơn. Ông cười cười, trả lời “Quê nhà “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nói dễ sống không đúng đâu. Tôi mồ côi cha mẹ nên đất đai cũng không có, đi lang thang cưới được vợ, lại tiếp tục lang thang mà được chỗ đất này cho qua ngày. Nhỏ nhưng cũng quen rồi. Cực khổ mấy cũng ngụ cư nơi đây gần 2 thập kỷ, nuôi nhau qua ngày. Về, biết về đâu?”

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 2: Thương hồ ở chốn phồn hoa ảnh 3

 Khác với thị dân trung tâm ở nhà lầu, cao ốc, thị dân ven kênh, ven sông ai cũng rưng rức những nỗi buồn.

Dân chơi ở chốn gầm cầu

Nếu ai có dịp đi ngang qua cầu Bình Lợi, nhìn về phía dưới chân cầu mép sát bờ sông, con đường đất ẩm thấp sình bùn lầy lội khi mưa sẽ trông thấy một cộng đồng dân cư sống bằng nghề chài lưới, mua bán trái cây, nhặt ve chai trên sông... Nhà của những “thị dân” này là những chiếc ghe đã cũ nát, rách rưới chắp vá có tuổi đời bằng hoặc hơn tuổi của chủ nhân.

Cụ bà Hồ Thị My (72 tuổi, ngụ P.13, Bình Lợi, Bình Thạnh) sống ở xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi đã gần 50 năm. Bà nói, cây cầu sắt cho xe lửa chạy ngày trước còn mới, lúc bà đến đây ở thì nó mới hơn 60 tuổi, giờ nó gần 120 tuổi và bị tháo dở rồi. Nhưng gia đình bà vẫn ở yên vị trí này.

“Tôi theo chồng từ Vĩnh Phúc di cư về đây hồi mới qua hai mươi, hai mốt…thoắt cái mà đã gần 50 năm. Vợ chồng con cái sinh sống bằng nghề đánh cá, chiếc ghe nhỏ là cần câu cơm duy nhất. Con cái học vừa biết chữ thì nghỉ, giờ đã lập gia đình cũng sống chung quanh”.

Những thị dân sống ngụ cư dưới chân cầu Bình Lợi không còn có thể nhớ đã đi qua bao mùa con nước lớn ròng, bao mùa đánh bắt quanh quẩn trên sông hay bao lần xuôi ngược mái chèo nương theo con nước, nhưng cứ nhìn nhưng những chiếc xuồng ghe cũ mục bọt bèo, rệu rã tựa vào nhau không rời thì chợt thương cho những mảnh đời lang bạt chỉ còn biết tựa nương vào nhau mà sống.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 2: Thương hồ ở chốn phồn hoa ảnh 4

 “Được lên bờ” - 3 từ này còn là niềm mong mỏi, còn là ước mơ của hàng trăm con người ở xóm chài bờ sông Bình Lợi.

Xóm chài mấy mươi năm tuổi này ai ai cũng biết vợ chồng ông Chúc và bà Hinh, nhiều năm cư ngụ nơi đây, vợ chồng ông bà không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu là xác người trôi sông, có hôm khi thức giấc thấy dạt vào một hình dáng người bạc trắng là biết có thêm một gia đình vừa xa mất người thân. Có hôm thì gia đình một người hay nhóm tìm kiếm nào đó đến nhờ ông tham gia lặn xuống đáy sông tìm vớt một thi thể… “Tiền bạc có là gì đâu, nằm dưới sông lạnh lắm, nên được nhờ hay được biết thì tôi luôn sẵn sàng tìm kiếm, vớt xác người lên bờ, đó cũng là một cách tích đức”.

“Được lên bờ”, 3 từ này còn là niềm mong mỏi, còn là ước mơ của hàng trăm con người ở xóm chài bờ sông Bình Lợi. Họ đã sống nơi miền ướt át, ẩm thấp những mùi rác, mùi nước bẩn, mùi sình đất thật lâu rồi. Những ngày hết tiền không đổi được nước sạch uống, có gia đình còn khoát bụi mặt nước sông lấy nước về vo gạo, nấu ăn, tắm, sinh hoạt… Nghe người ngụ cư nơi đây kể, hỏi lòng ai không thấy buồn.

Có người sống ở đây lâu đến 50 năm, 60 năm, rồi đến thế hệ con, cháu… Họ cũng có thể được gọi là thị dân. Nhưng khác với thị dân trung tâm nhà lầu, cao ốc, thị dân ven kênh, ven sông ai cũng rưng rức những nỗi buồn.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.