Tin cậy chiến lược là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác

 Tin cậy chiến lược sẽ là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác trên cơ sở cùng có lợi và ngăn ngừa nguy cơ xung đột, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53), diễn ra sáng 9/9.
Tin cậy chiến lược là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác

Trong hơn 5 thập kỷ qua, sự năng động trong hành động, linh hoạt trong ứng phó, sáng tạo trong hợp tác là những đặc trưng của ASEAN. Mười năm qua, với tinh thần “Từ tầm nhìn đến hành động”, Cộng đồng ASEAN đã từng bước phát huy vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở và bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ.

ASEAN đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, vừa vươn tầm phát huy vai trò và vị thế ở khu vực, vừa tích cực đóng góp cho các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển của cộng đồng quốc tế.

Trong tiến trình ấy, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cách thức vận hành của hệ thống các quan hệ quốc tế, trong đó vai trò của luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương chịu nhiều thách thức.

Xu thế chính trị cường quyền, toan tính vị kỷ và tính bất định trong hành xử của các quốc gia có chiều hướng gia tăng; tiến trình toàn cầu hóa, liên kết khu vực, tự do hóa kinh tế phần nào bị chững lại. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của các vấn đề toàn cầu, nổi lên là dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh trên, ASEAN đã tỉnh táo trước thách thức, chủ động trong ứng phó, gắn kết trong hành động; đoàn kết, kiên định với các mục tiêu, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Quyết tâm này của ASEAN đã được thể hiện qua Tuyên bố Tầm nhìn về một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vừa qua.  

Thời gian qua, các nước ASEAN đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt nhiều nền kinh tế ASEAN có khả năng duy trì tăng trưởng dương, mặc dù thấp hơn so với mục tiêu đề ra trong năm nay.

Quan hệ của ASEAN với các đối tác tiếp tục được củng cố và mở rộng, thể hiện qua việc số lượng các nước ngoài khu vực mong muốn tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC) của ASEAN, muốn thiết lập mới hoặc đẩy mạnh quan hệ đối tác với ASEAN tiếp tục gia tăng.

Trong phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 ở ASEAN được chữa khỏi khá cao và tỷ lệ tử vong thuộc nhóm thấp.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng thể hiện được tâm thế vững vàng, duy trì cách tiếp cận riêng theo phương cách ASEAN để giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực trước những tác động đa chiều từ môi trường chiến lược bên ngoài, như Tuyên bố chung mà các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nhất trí thông qua dịp kỷ niệm thành lập ASEAN ngày 8/8 vừa qua.    

Phó Thủ tướng cho hay, tại AMM-53, các bộ trưởng sẽ cùng nhau trao đổi các biện pháp cụ thể triển khai chỉ đạo của Cấp cao ASEAN 36, tiếp tục giữ vững hợp tác và liên kết khu vực, vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và định hướng phát triển lâu dài cho ASEAN cho giai đoạn tiếp theo.

ASEAN quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả và đúng tiến độ các mục tiêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đảm bảo các quy định, thể thức hoạt động của Hiến chương ASEAN được thực thi đầy đủ, tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN cũng như các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các sáng kiến của ASEAN về mạng lưới các đô thị thông minh, kết nối các kết nối… sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Tin cậy chiến lược là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác ảnh 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì AMM-53. - Ảnh: VGP/Hải Minh

Xác định nguy cơ dịch bệnh COVID-19 còn thường trực, Phó Thủ tướng cho rằng ASEAN một mặt chủ động kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh thông qua nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm, phát triển vaccine và thuốc điều trị tiếp cận rộng rãi với người dân, mặt khác, cần triển khai ngay các biện pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ thảo luận sâu rộng về thúc đẩy hiệu quả các nỗ lực và sáng kiến ứng phó COVID-19 của ASEAN.

Để giảm thiểu hệ quả từ những biến động phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và quốc tế, duy trì ổn định tình hình, tập trung ứng phó dịch bệnh, ASEAN cần chú trọng củng cố các thiết chế đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt và làm động lực.

Tại hội nghị với các đối tác tại các hội nghị lần này, ASEAN sẽ trao đổi về phương hướng phát triển của các diễn đàn như: EAS nhân kỷ niệm 15 năm hình thành, ARF với giai đoạn hợp tác và chương trình hành động mới 2020-2030, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các đối tác theo các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, để các cơ chế này có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình trong bối cảnh mới.

Song song với đó là nỗ lực xây dựng và thực thi các chuẩn mực ứng xử phổ quát, đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiến chương ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có tuân thủ luật pháp quốc tế, bình đẳng, tổn trọng, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tin cậy chiến lược, như Tuyên bố ngày 8/8 nhấn mạnh, sẽ là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác trên cơ sở cùng có lợi và ngăn ngừa nguy cơ xung đột, Phó Thủ tướng phát biểu.

ASEAN sẽ tiếp tục tham gia đóng góp và phát huy vai trò trong các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đối thoại cấp bộ trưởng giữa ASEAN và các đối tác nhằm khuyến khích vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh bền vững dịp này là đóng góp thiết thực của ASEAN triển khai Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. 

Theo Phó Thủ tướng, các thách thức đối với an ninh và ổn định ở khu vực luôn hiện hữu, trong đó có các nhân tố đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới. Vì thế, ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình.

ASEAN cũng sẽ kiên định thúc đẩy triển khai đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.

Để chủ động trong định hướng phát triển cho tương lai, Phó Thủ tướng mong muốn cùng nhau trao đổi và bàn thảo về cách thức xây dựng một tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN sau 2025, đảm bảo kế thừa các thành tựu đạt được và giúp ASEAN thích ứng hiệu quả với những cơ hội và thách thức ở những thập kỷ tiếp theo.  

Theo Chính phủ
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.
Viện Tim TP Hồ Chí Minh
Trang web của Viện Tim TP Hồ Chí Minh bị tấn công lấy số khám bệnh
(Ngày Nay) - Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/3, cho biết, trang web lấy số khám bệnh Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hacker tấn công gây nên tình trạng gia tăng đột biến số lượt đăng ký khám bệnh. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc và chưa ghi nhận rò rỉ thông tin người bệnh ra bên ngoài.