Tuổi thơ rơi lại trên đường mưu sinh! - Kỳ 2: Những gánh xiếc rong bên vỉa hè thành phố

(Ngày Nay) - Tại thành phố Hồ Chí Minh có chừng 15 nhóm xiếc rong. Những xiếc gia nhí rất giỏi đi bộ, với đôi chân còi cọt mà nhanh nhẹn, chúng thuộc lòng những “con đường nhậu nhẹt” còn hơn dân nhậu chính hiệu...

Kỳ 2: Những gánh xiếc rong bên vỉa hè thành phố

Thằng Đạt nói, nó học nghề ngậm xăng phun lửa làm xiếc từ đám bạn vỉa hè khi lang thang qua các con đường, góc phố có hàng quán nhậu. Theo lời nó chỉ dẫn thì đến bên con đường Hoàng Sa – Trường Sa mà người ta quen gọi là Bờ Kè, đầy ắp những quán nhậu. Về khuya, gánh xiếc rong này xuất hiện với đầy đủ dụng cụ, đồ nghề chuẩn bị cho những màn biểu diễn lặp đi lặp lại từ quán nọ sang quan kia

Lầm lũi mưu sinh

Đứa lớn gọi là An, hai đứa còn lại áng chừng xêm xêm tuổi nhau, một đứa gọi là Sáng, đứa kia là Tí. Cả 3 cùng tiến đến bên cạnh một bàn đông khách nhất trong quán nhậu, lặng lẽ lôi ra từng món đồ nghề trong chiếc túi vải nhỏ cũ mèm. An bỗng hét to lên một tiếng, khi tất cả thực khách trong quán nhậu đều hướng về phía mình, cậu chàng nhanh tay gắp cục than hồng từ trong một cái lò nhỏ đem theo, thổi phù phù cho hồng rực, từ từ bỏ vào miệng, nhẹ nhàng như bỏ một miếng thịt bò sốt đỏ tươi ngon. Làn khói nho nhỏ bốc ra từ miệng An thoáng như người ta vừa hút thuốc. Khói tan, An liền há miệng ra và hướng nó về phía những khán giả bất đắc dĩ, kiểu như muốn nói “Xem này, tôi vừa trình diễn một tuyệt kỹ!”. Tiếc là, không mấy ai quan tâm đến món tuyệt kỹ của xiếc gia vỉa hè này, ngoài thanh âm ly tách chạm vào nhau và những nói cười rộn rã, bàng quan.

Nhóm xiếc nhí này vẫn không bỏ cuộc, không cần biết người ta có xem không, không cần biết người ta có thích không, thấy An không xin được mấy tiền, Sáng tự động lấy một can nhựa chứa xăng mang theo, há miệng ngậm một xăng, rồi từ thanh củi nhỏ mang theo, Sáng đưa lên ngang miệng, châm lửa thổi phù, bốc lên một ngọn đuốc sáng choang, rực sáng một khoảng vỉa hè. Khuôn mặt của một đứa trẻ dưới ánh lửa rực đỏ hằn những nét lam lũ, nhầu nhĩ.

Chưa dừng lại ở đó, thấy 2 bạn trong nhóm mình hăng hái quá, Tí lấy trong túi ra một lưỡi dao lam bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm như đang ăn một quả táo giòn, khiến người xem rợn tóc gáy.

Tuổi thơ rơi lại trên đường mưu sinh! - Kỳ 2: Những gánh xiếc rong bên vỉa hè thành phố ảnh 1

Vỉa hè, hàng quán đều quen mặt, quen thuộc những màn biểu diễn của đám trẻ, đều đặn như hè phố, hết sáng rồi lại tối, hết đêm lại sang một ngày...

Người quen mặt nhóm xiếc rong này, quen kiểu ngồi hàng quán tụ tập thì mặc kệ chúng làm gì thì làm, họ xua tay và quay lưng mỗi khi tụi nó cầm chiếc nón cũ mèm hay chiếc ca nhựa đến xin tiền xem biểu diễn. Còn có những người mới lần đầu xem, thấy nó diễn trò vất vả hay những người động lòng trắc ẩn thì cũng theo dõi chăm chú, mà nó thấy ai chăm chú xem thế nào tụi nó cũng tiến lại gần, không đòi hỏi bao nhiêu cả, người ta cho bao nhiêu tụi nó nhận bấy nhiêu, cho đồ ăn thì nó nhận đồ ăn, mấy khách nhậu khi thách nó uống bia, thì uống bia, không từ chối điều gì.

Bắt chuyện hỏi thăm chỉ nhận được cái hờ hững của tụi nó, đôi khi cũng trả lời vài ba câu nhưng chẳng mấy thiết tha. "3 bạn, chị gửi 30 ngàn, được không?" / Được!" – Một bạn trả lời/ "Mỗi đêm tụi em biểu diễn bao nhiêu “sô” với bao nhiêu than, xăng?"/ "Nhiều lắm, không nhớ đâu!".

Rồi như sợ có ai nhìn thấy, đứa lớn nhất kéo 2 bạn tiếp tục lang thang qua một quán khác, cách đó vài trăm mét.

Tụi nó quen thuộc trên các vỉa hè, con đường, hàng quán về đêm đến nỗi chị bán cơm tấm hay cô bán hũ tiếu gõ đều biết. Biết mặt, biết cả tên, biết nơi ở, biết người đàn ông hay chở cả 3 đứa tụi nó trên chiếc xe máy đến mỗi buổi tối, thả tụi nó xuống, căn dặn một số thứ xong rồi đi. Tầm 4h-5h sáng cũng người đàn ông đó quay lại đón tụi nó về. Đều đặn như hè phố, hết sáng rồi lại tối, hết đêm lại sang một ngày.

Tuổi thơ rơi lại trên đường mưu sinh! - Kỳ 2: Những gánh xiếc rong bên vỉa hè thành phố ảnh 2

Phố Tây Bùi Viện là điểm quen thuộc và thường xuyên của những "xiếc gia" vỉa hè

Ước mơ bỏ lại

Không có thống kê cụ thể nào tại thành phố Hồ Chí Minh có tất cả bao nhiêu nhóm xiếc rong, nhưng một chủ quán nhậu lâu năm trên con đường quen thuộc là địa bàn biểu diễn của những gánh xiếc rong này ước lượng có chừng 15 nhóm. Những xiếc gia nhí rất giỏi đi bộ, với đôi chân còi cọt mà nhanh nhẹn, chúng thuộc lòng những “con đường nhậu nhẹt” còn hơn dân nhậu chính hiệu, từ Thị Nghè, khu phố Tây Bùi Viện, khu Trung Sơn…

Lê Văn Đài, 13 tuổi, nhà ở quận 6, kể rằng em học xiếc từ một người thầy dạy từ khi 7 tuổi. Trước còn theo các sư huynh mang đạo cụ chứ chưa lành nghề, nhưng từ 3 năm nay, hầu như đêm nào Đài cũng tự đi diễn tới hơn 3 giờ sáng mới về nhà. Đài kể, nhà em nghèo lắm, ba bị cụt 1 chân, làm nghề bơm vá xe, mẹ bệnh dặt dẹo quanh năm vẫn đi bán vé số, chị gái đã lấy chồng xa lâu lắm không về thăm nhà. Thời gian đầu, đêm đi làm, ngày vẫn đi học. Được một thời gian thì Đài nghỉ học hẳn vì đi “diễn” về đã 3-4 giờ sáng mà ban ngày còn phải luyện các ngón nghề nên không có thời gian đi học nữa.

Tuổi thơ rơi lại trên đường mưu sinh! - Kỳ 2: Những gánh xiếc rong bên vỉa hè thành phố ảnh 3

"Tuyệt kỹ" nuốt rắn lục.

Đài kể, em đi diễn với một cậu em mới học nghề, khi Đài biểu diễn, cậu em đi thu tiền bằng một chiếc hũ nhựa, cũng có khi Đài diễn quá sức thì để cậu em biểu diễn, còn Đài thu tiền.

“Ngày may mắn cũng được 200-300 ngàn, ngày xui xẻo thì được trên dưới 100 ngàn thôi. Đóng tiền rồi còn lại mang về phụ gia đình”. Hỏi Đài, đóng tiền gì? Em định nói, nhưng rồi như nhớ ra và kịp dừng lại, im lặng. Cái im lặng của một người biết giữ lời.

Cũng như Đài kể, tai nạn nhớ đời nhất của em là lần nuốt dao lam, em bị rách nếu, máu chảy đỏ cả miệng, xuống cổ, xuống áo. Khán giả và khách khứa được một phen kinh hoàng. Vậy mà em còn cười khi nhớ lại “rách có tí xíu, đua một chút nhưng có bài thuốc thầy em truyền, cầm máu ngay. Hôm đó được khách thương cho tiền nhiều hơn mọi lần”.

“Vào mùa đi học rồi em cũng nhớ trường, nhớ bạn. Nhưng mà nhà nghèo phải phụ gia đình, đây không phải là công việc duy nhất của em đâu, còn phụ mẹ bán vé số, chạy xe ôm nữa. Em chạy “lụi”, ai trong xóm nhờ chở đi đâu thì chở, chứ em có bằng lái gì đâu, em chưa đủ tuổi”.

Dần sáng, hỏi Đài, em sắp về nghỉ chưa? Em nói vẫn chưa, phải đi thêm vài ba điểm nữa vì vỉa hè, quán nhậu vẫn còn rất đông. Em cũng mệt, nhưng nếu không siêng năng một hôm, những hôm sau sẽ thành thói quen về sớm, mà như vậy thì tiền ở đâu mà phụ gia đình...

Em cũng có ước mơ, hồi xưa em thích làm lập trình máy tính, mà đó là thời còn đi học. Bây giờ hả? Bây giờ em chỉ ước thổi xăng, nuốt than, nuốt rắn xong, khách cho nhiều tiền rồi về nhà ngủ một giấc thật say.

Nói rồi, bóng Đài nghiêng theo ánh điện cột đèn khuya, lầm lũi tiếp tục bước đi qua những quán nhậu vỉa hè.

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.