Dạy thêm, học thêm: Nhu cầu hay vấn nạn?

Khi Bộ GD&ĐT đề xuất đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến cho rằng vẫn khó xử lý tình trạng bát nháo hiện nay.
Cần tách dạy thêm học thêm ra khỏi trường học. Ảnh: Diệp An
Cần tách dạy thêm học thêm ra khỏi trường học. Ảnh: Diệp An

Có con học tại trường công, phần lớn phụ huynh thấm thía tình cảnh không đi học thêm sẽ bị thầy, cô giáo “đì”. Vào đầu năm học, sau cuộc họp phụ huynh, rất nhiều phụ huynh ở các trường nhận được gợi ý của ban phụ huynh lớp là nhờ cô giáo bộ môn A, bộ môn B mở lớp để kèm thêm cho con. 

Chị Nguyễn Thu Hằng, có con học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết suốt từ năm lớp 6, cứ buổi nào họp phụ huynh là cô giáo chủ nhiệm lại mời giáo viên dạy Toán của lớp lên thuyết trình một bài. Và bài thuyết trình quen thuộc của giáo viên môn Toán này là: “tôi chưa thấy lớp nào học sinh học Toán lại yếu như thế. Đến giờ vẫn chưa nắm được kiến thức hệ phương trình bậc hai hay các dạng toán về hằng đẳng thức đáng nhớ. Nếu cứ như thế này, các con khó mà thi được lớp 10”.

Cứ như thế, một năm hai kỳ họp là hai kỳ phụ huynh được thầy giáo môn Toán “phụ đạo”. Sau mỗi lần như thế, lập tức có một số phụ huynh tìm đến nhờ thầy mở lớp để kèm cho con. Sau vài lần họp, chị  Hằng cũng đã ngờ ngợ ra “bài” của thầy và giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, chị là một trong số rất ít phụ huynh ở lớp nhất quyết không cho con theo học thêm tại nhà thầy.

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Thời điểm này, trên các diễn đàn, phụ huynh nháo nhác tìm kiếm thông tin, địa điểm cho con đi học tiền lớp 1. Trong đó, nhiều ý kiến tranh luận, có người nói nên cho con đi học sớm nhưng cũng có ý kiến cho rằng không đi học trước, chẳng sao. 

Chị Nguyễn Hà Thu, ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, năm nay sẽ cho con học trường công. Chị thấy nhiều người truyền tai, nếu vào lớp 1 trường công lập, sĩ số 50-60 học sinh mà con không đọc thông, viết thạo trước thì sẽ chạy theo vất vả. Vì thế, chị rất hoang mang và nhờ đã tìm cho con một lớp tiền lớp 1 để hè này con được học viết, tập đọc trước. 

Không riêng lớp 1, nhiều phụ huynh có con học tiểu học từ sớm đặt mục tiêu cho con thi vào các trường chất lượng cao, trường top đầu lớp 6. Vì thế, ngay từ lớp 2, lớp 3 đã nháo nhác tìm lớp học thêm, luyện thi cho con. Những đứa trẻ vừa rời trường  mẫu giáo, ngơ ngác vào trường tiểu học, ngoài việc học ngày 2 buổi ở trường, còn bị bố mẹ vắt kiệt sức ở các lớp luyện thi, học nâng cao. 

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, để quản lý giáo viên không dạy thêm, học thêm ở ngoài, đầu năm học Phòng yêu cầu giáo viên cam kết không vi phạm Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT. Quận Hà Đông cũng có riêng đề án 01, trong đó quy định nếu giáo viên vi phạm sẽ luân chuyển. Vì thế, 2 năm nay, không phát hiện việc giáo viên mở lớp, lôi kéo học sinh theo học.

Tách dạy thêm học thêm ra khỏi giáo viên

Đứng dưới góc độ quản lý, bà Hằng cho rằng đối với bậc tiểu học, hiện nay học sinh đã học ngày 2 buổi, các em được học đầy đủ chương trình, làm bài tập trên lớp nên không phải học thêm. Với các lớp cuối cấp ở bậc THCS, THPT, Thông tư 17 của Bộ cho phép các nhà trường được tổ chức dạy thêm và học sinh có thể đi học thêm ở các trung tâm được cấp phép là đủ.  “ Với vấn nạn học thêm, dạy thêm cần có sự ý thức, chung tay của phụ huynh. Khi dạy học trong nhà trường đã đảm bảo nội dung thì phụ huynh cần biết nói “không” để học sinh không phải tới các lớp học thêm”, bà Hằng nói. 

Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm cho rằng muốn làm “sạch” vấn đề dạy thêm, học thêm thì cần tách giáo viên ra khỏi công việc này. Thầy Bình đề xuất, việc dạy thêm, học thêm nên để cho các trung tâm bồi dưỡng văn hóa tổ chức. Giáo viên ở các trung tâm này cũng không phải đến từ các trường mà là các giáo viên tự do. Có như thế mới không thể xảy ra tình trạng giáo viên vừa dạy ở trường, vừa “kéo” học sinh ra trung tâm hay về nhà dạy thêm. 

Đồng quan điểm này, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch  Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định quản lý vấn đề dạy thêm học thêm thực sự rất khó. Từ trước đến nay đã có rất nhiều văn bản, tốn rất nhiều giấy mực nhưng vẫn không “quản nổi” vì xuất phát từ nhu cầu của hai phía: phụ huynh và giáo viên. Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là thực hiện như nước ngoài, giáo viên đã dạy trong trường không tham gia dạy thêm dưới mọi hình thức.

Về phía Bộ GD&ĐT, bên cạnh đề xuất đưa dạy thêm học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện, Bộ  cũng đưa ra nhiều giải pháp để quản lý giảm thiểu việc học thêm dạy thêm không đúng quy định. Trong đó, có chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải các môn văn hóa, tăng thêm giờ học thể dục và hoạt động giáo dục thể chất; Chỉ đạo các nhà trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá, vừa đảm bảo định hướng phát triển năng lực học sinh; đồng thời đó cũng là một biện pháp quan trọng nhằm hạn chế dạy thêm, học thêm…
Theo Tiền Phong
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.