Nỗ lực kiểm soát 'Bộ Tứ' công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
[Ngày Nay] - Trong những năm qua, “Bộ Tứ” của Thung lũng Silicon bao gồm Apple, Amazon, Facebook và Google ngày càng lớn mạnh và thao túng giới công nghệ toàn cầu bằng các thương vụ sáp nhập đối thủ tiềm năng.

Thách thức nhóm “Bộ Tứ”

Trong một bài bình luận trên tờ The Guardian, tác giả Will Hutton, hiệu trưởng trường Cao đẳng Hertford (Vương quốc Anh), cho rằng đã đến lúc phá vỡ thế độc quyền, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản dữ liệu độc quyền gây ra bởi 4 công ty công nghệ hàng đầu thế giới: Facebook, Amazon, Google và Apple.

“Luật cạnh tranh và chống bội tín, xương sống của việc đảm bảo cuộc chơi bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, tỏ ra quá chậm không đáp ứng được tốc độ phát triển của thực tế”, ông Hutton chỉ ra.

Kể từ tháng 10, cả Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ và Ủy ban châu Âu, dưới áp lực của chính phủ Pháp và Hà Lan, đã phát đi tín hiệu sẵn sàng “tấn công” Apple, Google, Facebook và Amazon.

Nỗ lực kiểm soát 'Bộ Tứ' công nghệ ảnh 1

Các CEO của “Bộ Tứ” Amazon, Apple, Facebook và Google thường xuyên bị triệu tập điều trần trước Quốc hội Mỹ về các vấn đề lo ngại độc quyền.

Không dừng lại ở đó, vào ngày 20/10, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã kiện Google, đây được coi là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất chống lại một công ty công nghệ trong hơn hai thập kỷ. Trong đơn khiếu nại, Bộ Tư pháp đưa ra cáo buộc rằng Google đã kìm hãm sự cạnh tranh để duy trì vị thế mạnh mẽ của mình trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo.

Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc Google trả hàng tỷ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất thiết bị như Apple, LG, Motorola và Samsung và các nhà phát triển trình duyệt như Mozilla và Opera để làm công cụ tìm kiếm mặc định của họ và trong nhiều trường hợp cấm họ giao dịch với các đối thủ cạnh tranh của Google.

Dù tồn tại nhiều bất đồng, nhưng việc khống chế các công ty công nghệ lại là chủ đề hiếm hoi mà lưỡng đảng Mỹ đều đồng thuận. Bất chấp những lợi ích to lớn mang lại cho nền kinh tế, trong mắt giới lập pháp Mỹ, các gã khổng lồ tại Thung lũng Silicon đã trở nên quá quyền lực, kiêu ngạo và nắm thế độc quyền.

Các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cho biết những công ty này sử dụng sự thống trị của họ theo những cách làm xói mòn tinh thần kinh doanh, làm suy giảm quyền riêng tư của người Mỹ trên mạng và làm suy yếu sự sống động của báo chí tự do và đa dạng. Kết quả là ít đổi mới hơn, ít lựa chọn hơn cho người tiêu dùng và một nền dân chủ suy yếu.

Các nhà lập pháp Mỹ đặc biệt phẫn nộ trước thái độ của lãnh đạo Apple, Facebook, Amazon và Google khi chất vấn về những nghi vấn độc quyền của “Bộ Tứ”. Như liệu Apple có lạm dụng độc quyền với App Store của mình hay không, về sự độc quyền quảng cáo trực tuyến của Facebook, hay liệu Amazon có sử dụng thông tin thu được từ người bán bên thứ ba để giúp bán hàng nội bộ hay không hoặc cách Google độc quyền thị trường tìm kiếm trên internet.

Các câu trả lời mà Hạ viện Mỹ nhận được “thường là lảng tránh và không đáp ứng, đặt ra câu hỏi mới về việc liệu các công ty công nghệ có đang nằm ngoài tầm với của sự giám sát hay không”.

Lửa có thể lan tới Thung lũng Silicon

Vụ kiện Google diễn ra sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài một năm của các nhà điều tra Bộ Tư pháp và được tiến hành ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống.

William Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, bình luận: “Trước Google, vụ kiện lớn nhất về độc quyền trong ngành công nghệ trước vụ này là chính phủ Mỹ kiện Microsoft vào năm 1998”. Khi đó, chính phủ Mỹ cáo buộc Microsoft đã vi phạm luật khi kết hợp trình duyệt Internet Explorer với mọi bản sao của hệ điều hành Windows, động thái được cho là gây bất lợi giữa các nhà sản xuất trình duyệt.

Sau vài năm kiện tụng, Microsoft và Washington đã đạt được một thỏa thuận đưa ra các giới hạn mới đối với hoạt động kinh doanh phần mềm của Microsoft. Kể từ đó, các chuyên gia đã ghi nhận trường hợp đó đã mở đường cho sự đổi mới - bao gồm cả sự trỗi dậy của Google.

Một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho thấy Google và những “gã khổng lồ công nghệ” khác đang được hưởng “quyền lực độc quyền” và dẫn tới sự thiếu cạnh tranh lành mạnh.

Nỗ lực kiểm soát 'Bộ Tứ' công nghệ ảnh 2

Báo cáo đó cáo buộc rằng Amazon đã ngược đãi khách hàng thuộc bên thứ ba hay chi phí và chính sách cửa hàng ứng dụng của Apple là chống cạnh tranh và Facebook đã tìm cách loại bỏ các đối thủ trong tương lai thông qua các thương vụ mua lại có mục tiêu.

Vụ kiện của Bộ Tư pháp chống lại Google đánh dấu bước đi quan trọng nhất mà chính phủ Mỹ đã thực hiện để buộc Thung lũng Silicon chịu trách nhiệm sau khi sau những bằng chứng cho thấy các công ty công nghệ và mạng xã hội lớn đã bị thao túng bởi các nỗ lực can thiệp bầu cử vào năm 2016.

Kể từ đó, các giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp đã lần lượt bị triệu tập trước Quốc hội để đối mặt với các câu hỏi về trách nhiệm của họ đối với các vấn đề chính trị, nội dung thù địch và tin giả,...

Vụ việc có thể gây ra rủi ro chưa từng có đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google, vốn đem tới doanh thu 134,8 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 84% tổng hoạt động kinh doanh của Google.

Ngay cả khi Bộ Tư pháp đưa Google ra tòa vì lo ngại chống độc quyền, những công ty khác trong ngành công nghệ có thể phải đối mặt với các vụ kiện tương tự. Các quan chức tại Ủy ban Thương mại Liên bang đã điều tra Facebook trong hơn một năm qua và cuộc điều tra đó có thể dẫn đến vụ kiện tụng khác.

“Vòng kim cô” thuế kỹ thuật số

Tại châu Âu, các quốc gia EU cũng đang có chung mối bận tâm về sự lũng đoạn thị trường của “Bộ Tứ” công nghệ. Các biện pháp kiểm soát “Bộ Tứ” đã được đề xuất, trong đó có báo cáo của Pháp-Hà Lan đệ trình lên Ủy ban châu Âu.

Theo báo cáo của các nhà lập pháp EU, châu Âu có thể đã mất 5,4 tỷ euro doanh thu thuế từ Google và Facebook từ năm 2013 đến năm 2015.

“Để giảm gánh nặng thuế tại châu Âu, các công ty này sử dụng mánh khóe luân chuyển tất cả doanh thu đến các quốc gia thành viên có mức thuế thấp như Ireland và Luxembourg, ”báo cáo do nhà lập pháp Paul Tang cho biết.

Tài liệu của EU đã tập trung vào hai ông lớn Facebook và Google, vì hai công ty này đã chuyển phần lớn doanh thu tại thị trường EU của họ ở Ireland nhằm chịu mức thuế suất thấp.

Phía EU cho rằng Google trả các khoản thuế trị giá tới 9% doanh thu của mình bên ngoài EU, nhưng tỷ lệ này giảm xuống không quá 0,82% trong EU. Trong khi đó, thuế doanh thu của Facebook được ghi bên ngoài EU là từ 28% đến 34%, trong khi ở EU, tỷ lệ này thấp đáng kể, từ 0,03% đến 0,10%.

Báo cáo kết luận: điều này dẫn đến thiệt hại doanh thu ước tính cho các quốc gia EU, ngoài Ireland, từ 51 đến 54 tỷ euro từ năm 2013 đến năm 2015.

Các nhà hoạch định chính sách EU có kế hoạch đưa ra một sửa đổi sẽ buộc các công ty đa quốc gia buộc phải trả thuế ở các quốc gia EU nơi họ có mặt bằng “nền tảng kỹ thuật số” tạo ra ít nhất 5 triệu euro doanh thu hàng năm.

Nỗ lực kiểm soát 'Bộ Tứ' công nghệ ảnh 3

Nếu các quốc gia EU quyết định đánh thuế doanh thu của các công ty kỹ thuật số thay vì lợi nhuận của họ, như đề xuất của Pháp với sự hỗ trợ của Ý và Tây Ban Nha, điều đó có thể tạo ra 4 tỷ euro doanh thu thuế từ Google và Facebook từ năm 2013 đến năm 2015.

Biện pháp đó cũng sẽ buộc Amazon phải trả thuế. Báo cáo cho biết, nhà bán lẻ trực tuyến của Mỹ, có trụ sở chịu thuế EU ở Luxembourg, hầu hết đã được miễn thuế trong giai đoạn 2013-2015 vì không tạo ra lợi nhuận.

Phản ứng của “Bộ Tứ”

Phản ứng trước các cáo buộc của Hạ viện Mỹ, lần lượt đại diện của Amazon, Google và Apple đều lên tiếng phản đối và đưa ra những lý giải cho các cáo trạng của mình.

Công ty Amazon cho rằng suy nghĩ sai lầm của chính phủ Mỹ buộc hàng triệu nhà bán lẻ độc lập rời khỏi các cửa hàng trực tuyến, do đó tước đi một trong những cách tiếp cận khách hàng nhanh nhất và có lợi nhất hiện nay. Đối với người tiêu dùng, kết quả sẽ là ít sự lựa chọn hơn và giá cao hơn.

Về phần mình, Apple cho rằng công ty không có thị phần chi phối trong bất kỳ ngành hàng nào mà họ kinh doanh.

Christopher Sgro, người phát ngôn của Facebook, cho biết mạng xã hội này là một câu chuyện thành công của Mỹ.

Chúng tôi cạnh tranh với nhiều loại dịch vụ với hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người sử dụng chúng.

Christopher Sgro

“Chúng tôi cạnh tranh với nhiều loại dịch vụ với hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người sử dụng chúng,” Sgro nói. “Sáp nhập là một phần của mọi ngành và chỉ là một cách chúng tôi đổi mới công nghệ mới để mang lại nhiều giá trị hơn cho mọi người. Instagram và WhatsApp đã đạt đến những đỉnh cao thành công mới vì Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD vào những lĩnh vực kinh doanh đó”.

Còn tại châu Âu, khi một số quốc gia đơn phương áp đặt các mức thuế mới nhắm vào các công ty công nghệ của Mỹ. Để đáp lại, “Bộ Tứ” đã tăng phí dịch vụ và đặt gánh nặng lên vai khách hàng.

Vào tháng 10, Apple, Google và Amazon đều đã công bố các thay đổi về giá cho khách hàng doanh nghiệp ở Vương quốc Anh nhằm bù đắp “thuế dịch vụ kỹ thuật số” mới do London ban hành.

Cụ thể, Apple đang thay đổi cách trả phí cho các nhà phát triển trên kho ứng dụng App Store ở Anh. Ngoài khoản thuế VAT 20% thông thường mà họ trả cho chính phủ trên mỗi lần mua hàng, công ty sẽ cộng thêm 2% thuế trước khi chia phần doanh thu còn lại giữa nhà phát triển và Apple, nghĩa là sẽ cả Apple và doanh nghiệp địa phương đều hưởng ít tiền hơn.

Trong khi đó, Google đang tăng phí đối với tất cả quảng cáo được mua trên Google Ads và YouTube ở Vương quốc Anh lên 2%. “Thuế dịch vụ kỹ thuật số làm tăng chi phí quảng cáo kỹ thuật số”, một phát ngôn viên của Google giải thích. “Thông thường, những khoản tăng chi phí này do khách hàng chịu và giống như các công ty khác bị ảnh hưởng bởi loại thuế này, chúng tôi sẽ thêm một khoản phí vào hóa đơn của mình, kể từ tháng 11”.

Từ ngày 1/9, Amazon cũng đang tăng phí đối với người bán thuộc bên thứ ba lên 2% nhằm bù đắp tổn thất từ khoản thuế kỹ thuật số.

Đây không phải là lần đầu các công ty công nghệ Mỹ điều chỉnh tăng giá dịch vụ tại châu Âu. Apple thường xuyên điều chỉnh phí App Store của mình để đáp ứng với sự khác biệt về chế độ thuế và định giá tiền tệ của các quốc gia. Ví dụ, nhà sản xuất iPhone đã tăng giá trên App Store cho người tiêu dùng Anh lên 25% sau khi đồng bảng Anh mất giá sau cuộc bỏ phiếu Brexit.

Thông qua động thái tăng giá tại thị trường châu Âu, các ông lớn công nghệ Mỹ cũng muốn gửi đi một thông điệp thách thức: các ngài cứ việc đánh thuế, chúng tôi chỉ cần tăng giá dịch vụ. 

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.