EU muốn đạt được thỏa thuận Brexit nhưng không phải bằng mọi giá

 Các quan chức cấp cao EU đã nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng châu Âu sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit nhưng sẽ không cố gắng đạt được một thỏa thuận bằng mọi giá.
EU muốn đạt được thỏa thuận Brexit nhưng không phải bằng mọi giá

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa nỗ lực hết sức để đàm phán đạt tiến bộ.

Ông Michel nói: "Chúng tôi đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận, nhưng không phải bằng mọi giá". Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen cho rằng: "Các điều kiện liên quan đến vấn đề đánh bắt cá và cạnh tranh công bằng phải hợp lý". Hiện vẫn còn rất nhiều việc cần phải giải quyết ở phía trước. 

Theo kế hoạch, hôm nay (15/10), ông Michel sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên EU, với chương trình nghị sự ưu tiên đàm phán vấn đề thương mại với London.

Trong khi đó, về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông cảm thấy thất vọng vì không đạt được thêm tiến bộ nào sau cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit kéo dài suốt hai tuần qua với EU.

Tuy nhiên, ông cho biết sẽ vẫn chờ đợi thông tin từ hội nghị thượng đỉnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng liệu có rút khỏi các cuộc đàm phán hay không. Trước đó, Thủ tướng Johnson cảnh báo Anh có thể rời khỏi các cuộc đàm phán thương mại nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận vào ngày 15/10.

Hội nghị thượng đỉnh EU là thời hạn chót mà Thủ tướng Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Đầu tháng 9, ông tuyên bố nếu sau thời hạn này mà hai bên không đạt thỏa thuận, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, tức là giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một kịch bản được cho là sẽ gây ra gián đoạn nghiêm trọng trong hợp tác kinh tế và giao thông song phương. 

EU chưa bao giờ công nhận "tối hậu thư" mà Thủ tướng Anh đưa ra, song trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Barnier trước đó đã cảnh báo nếu đạt một thỏa thuận với Anh sau tháng 10 thì các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu (EP) khó có thể kịp phê chuẩn văn kiện này trong năm nay.

Cả EU và Anh đều đang nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận đối tác mới về mọi lĩnh vực, từ thương mại tới giao thông và hợp tác hạt nhân, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 khi quá trình chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài 11 tháng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Hiện các quy định về cạnh tranh công bằng và quyền đánh bắt cá đang là những vấn đề chính cản trở đàm phán song phương đi đến đích cuối cùng.

Theo Bnews