Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch

Thượng toạ Thích Thanh Huân đến với Phật giáo từ khi còn nhỏ, trong một gia đình có nhiều người đi theo con đường Phật pháp. Sau khoảng thời gian dài tu tập, Thượng toạ Thích Thanh Huân trở về chùa Pháp Vân (Hoàng Mai - Hà Nội) làm trụ trì. Những năm 2009, 2010, khi đó chùa Pháp Vân còn nhỏ, Thượng toạ Thích Thanh Huân đã nhận nuôi rất nhiều những trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV không có gia đình.
* * *

Tại chùa Pháp Vân, Thượng toạ Thích Thanh Huân mở những khoá tu nghiệp, đặc biệt là có những khoá tu dành riêng cho các trường hợp nghiện ma tuý. Đã có rất nhiều trường hợp cai nghiện thành công nhờ vào những khoá tu tại chùa Pháp Vân. Việc cai nghiện ma tuý thành công bằng tu nghiệp được Thượng toạ Thích Thanh Huân chia sẻ là được học từ những vị cao tăng tại Đài Loan.

Với quan điểm luật Nhân quả có những ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần, tư duy và cách hành xử của xã hội, Phóng viên Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó Chánh văn phòng GHPG Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội) để hiểu cặn kẽ hơn về triết lý uyên thâm của Phật giáo.

Phóng viên: Kính thưa Thượng toạ, trong triết lý của Phật giáo, Luật Nhân có thể nói là tư tưởng xuyên suốt. Vậy để hiểu một cách tường tận về triết lý này, những Phật tử, những người tin vào đạo Phật cần bắt đầu từ đâu?

Thượng toạ Thích Thanh Huân: Giáo lý nhân quả có thể nói đó là một quy luật tự nhiên, tự vận hành và chi phối tất cả mọi sự việc trong xã hội. Không chỉ con người mà kể cả các loài vật cũng đều trong quy luật nhân quả. Quy luật nhân quả tồn tại và vận hành tự nhiên trong cuộc sống của mỗi con người và của cả muôn loài. Đức Phật đã nhìn thấu được rõ giáo lý nhân quả một cách sâu sắc và toàn diện.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 1

Về giáo lý nhân quả trước kia, khi Đức Phật chưa xuất hiện trên thế gian này thì cũng đã có nhiều tôn giáo khác có đề cập tới. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và độ sâu của việc nhìn nhận này khác với Đức Phật. Khi nhân quả nguyệt báo vào thời trước khi Đức Phật xuất hiện, thì đã được xã hội Ấn Độ đề cập tới, và khi Phật xuất hiện thì ngài có cái nhìn sâu hơn và toàn diện hơn về giáo lý này.

Có thể nói, Đạo Phật không chấp nhận một khía cạnh, hoặc đề cập tới một cái nhìn phiến diện về nghiệp báo, về luân hồi và về nhân quả. Đức Phật có một cách nhìn, một cách lý giải tương quan cả về không gian, thời gian và lại có nhân duyên trong đó. Nhân duyên - nhân quả - luân hồi - nghiệp báo, đó là một tổng thể, tổng hoá trong đó chi phối và diễn bày, hiện bày tẩt cả. Khi nào diễn bày đủ nhân duyên (chủ quan và khách quan gồm: thời gian, không gian, điều kiện, tác nhân đầy đủ) thì sẽ hiện bày nghiệp báo.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 2

Phóng viên: Có thể nói, Đức Phật giúp cho luật nhân quả vốn dĩ tồn tại trong tự nhiên trở thành triết lý sống với con người. Vậy, trong kinh sách của Phật giáo, luật nhân quả có vai trò như thế nào thưa Thượng toạ?

Thượng toạ Thích Thanh Huân: Theo kinh sách của Phật Giáo, Đức Phật không có gì nhấn về nhân quả nhiều. Phật Giáo là một tôn giáo thiên về vấn đề giáo dục con người. Từ việc giáo dục con người thì Đức Phật đề cập tới nhân quả: nên làm gì, nên có nếp sống, hành động và có suy nghĩ của mình như thế nào thì sẽ có kết quả tương ứng.

Luật Nhân quả là một trong những tư tưởng xuyên suốt của triết lý Phật giáo. Luật Nhân quả hướng con người tới tính trách nhiệm với mỗi hành động thực tại vì nó sẽ tạo ra hệ quả trong tương lai gần hoặc xa. Triết lý của Phật giáo luôn hướng con người tới cái đẹp, thánh thiện và an lành, trong đó luật nhân quả cũng nói rõ về hậu quả phải gánh chịu đối với những con người sống ác độc, làm những việc xấu cho những người xung quanh hoặc cộng đồng.

Đức Phật không đưa mọi người đến với lý thuyết và lý luận quá nhiều vì sẽ dẫn đến khó hiểu. Đức Phật đưa ra các vấn đề về nhân quả - nghiệp báo - luân hồi một cách hết sức tự nhiên và gần gũi với cuộc sống con người. Thậm chí, có những trường hợp là sự việc diễn ra đối với chư tăng hay đệ tử của Đức Phật, hoặc là đối với các cư sĩ tại gia; họ gặp phải những hiện tượng đó và họ thưa với Đức Phật, thì lúc đó ngài mới trả lời rằng nguyên nhân như thế nào. Trong kinh sách của Phật Giáo, có tới hàng nghìn câu chuyện đề cập tới vấn đề nhân quả.

Nếu chúng ta hiểu được về nhân quả, nghiệp báo và luân hồi thì mỗi con người sống sẽ có ý thức hơn và tự giác với chính bản thân mình, với hành động, suy nghĩ và lời nói của mình. Điều đó sẽ soi sáng cho con người rất nhiều trong cuộc sống này; khiến cho con người không bị những nguồn gốc phát xuất từ những hành động, lời nói hoặc những tư duy, suy nghĩ bất thiện. Mỗi con người có thể nhìn vào nhân quả để tự soi sáng mình và chính điều đó đã chuyển hoá hành vi của mình và khiến con người ta ngày càng hoàn thiện, trở nên tốt đẹp hơn.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 3

Phóng viên: Thưa Thượng toạ, trong bất cứ bối cảnh xã hội nào thì tính trách nhiệm với cộng đồng luôn được nhắc tới, mỗi con người là một nhân tố hình thành lên xã hội. Chính vì lý do này mà mỗi con người phải có trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình mà còn với toàn thể xã hội và ngược lại, điều này ứng với câu nói “mọi người vì một người, một người vì mọi người”. Vậy trong triết lý Phật giáo nói như thế nào về điều này?

Thượng toạ Thích Thanh Huân: Từ góc độ giáo lý nhân quả của Phật giáo mà nhìn sâu rộng ra, thì tất cả mọi chuyện đều không nằm ngoài tinh thần nhân quả. Thuyết nhân quả giúp cho chúng ta có tinh thần tự giác, và nhân quả - nhân duyên tương tức khiến chúng ta tự thấu hiểu được giữa bản thân mình với mọi mối liên hệ xung quanh, trong đó có mối quan hệ giữa người với người, và mối quan hệ giữa con người với mọi sự vật, hiện tượng khác. Chúng ta sẽ thấy được nhân quả giữa thiện và ác, giữa cái tốt và cái xấu ở trong tâm thức của chúng ta.

Mỗi khi có một sự việc nào đó diễn ra, chúng ta sẽ có cái tâm để thấu hiểu được mình và quán chiếu để thấy được hành động tạo ra suy nghĩ của mình là tốt hay xấu. Thường thường, hành động xấu thường xuất phát từ cái vị kỷ và những tâm hành xấu, chỉ vì lợi ích của cá nhân mà quên đi những người khác ở xung quanh, hoặc mong muốn cho mình tốt đẹp nhưng sự tốt đẹp và an vui ấy của bản thân mình lại trên sự khổ đau và sự giả dối đối với người khác. Như vậy sẽ mang lại những “quả” không tốt cho mỗi chúng ta.

Phóng viên: Có một sự thật hết sức trái ngược là, hiện nay toàn xã hội, thế giới đang chống lại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban ngành chức năng và toàn thể nhân dân đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn đại dịch. Một trong những yêu cầu rất đơn giản đối với những ai có nguy cơ tiếp xúc với virus là phải khai báo y tế thật chính xác. Tuy nhiên, lẩn khuất đâu đó vẫn có những con người khai báo không trung thực, giấu diếm đi những bí mật và từ đó có thể vô tình làm chất xúc tác cho bệnh dịch. Trong trường hợp những người giấu diếm này mắc bệnh thì đương nhiên trong quá trình tiếp xúc với cộng đồng sẽ lan bệnh sang người khác. Vậy, nhìn bằng quan điểm của Luật Nhân quả, Thượng toạ thấy sao về điều này?

Thượng toạ Thích Thanh Huân: Như hiện nay, xã hội chúng ta đang đối mặt với đại dịch Covid-19, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng và cùng nhau góp phần để đại dịch bị đẩy lùi. Nếu chúng ta ai ai cũng đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ mình và cùng với những người khác để bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ cộng đồng thì chúng ta sẽ có thể thành công trong việc đẩy lùi được dịch bệnh. Trong mỗi chúng ta, người có bệnh phải chuyên tâm cách ly và điều trị trong bệnh viện và những cơ sở y tế; còn lại cộng đồng phải góp sức cùng nhau để vượt qua bệnh tật.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 4

Nếu chúng ta quá sợ hãi căn bệnh, chỉ lo nghĩ tới bản thân mình mà không nghĩ tới gia đình, cộng đồng và trốn chạy, thì những điều đó sẽ càng khiến cho căn bệnh lây lan nhanh hơn và rộng hơn, diễn biến khó lường hơn và việc chữa trị, ngăn chặn dịch bệnh sẽ càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.

Nếu chúng ta cứ tự mình tạo ra khó khăn cho chính mình, cũng như cho mọi người thì sẽ tạo ra những quả báo không tốt về sau này cho mình. Thực tế, không cần phải đến kiếp sau hay xa xôi gì đâu, mà thực tế ngay trong hiện tại này, mình đã phải chịu những quả báo không tốt rồi; khi tự mình góp phần khiến cho căn bệnh trở nên khó chữa trị, khó phân biệt được giữa người bệnh và người không có bệnh hơn.

Nếu con người có ý thức thì chỉ cần cảm thấy nghi ngờ rằng mình có khả năng sẽ bị lây nhiễm bệnh thôi là người ta đã có thể tự giác cách ly và tìm tới bệnh viện cũng như các cơ quan chức năng có liên quan khác để được chữa trị và trình báo thông tin rồi. Hành động này chính là để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, góp phần giúp cho việc xác định những người nhiễm bệnh hay không nhiễm bệnh trở nên dễ dàng hơn.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 5

Đối với căn bệnh này, nếu như chúng ta cùng nhau thực hiện tốt, sống có ý thức và trách nhiệm cũng như áp dụng thuyết nhân quả vào mọi hành động của mình thì rất có thể chỉ trong thời gian ngắn thôi mỗi cá nhân đã có thể tự bảo vệ mình, hạn chế được việc lây lan dịch bệnh từ người này sang người kia rồi. Như vậy, mỗi con người đều có thể tự góp phần chữa trị bệnh cho cả xã hội rồi. Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta.

Phóng viên: Vậy đối với những con người cố tình trục lợi trong khoảng thời gian toàn thể xã hội đang chống dịch thì có phải chịu “nghiệp báo” không thưa Thượng toạ?

Thượng toạ Thích Thanh Huân: Tôi thấy, việc ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 là vô cùng cần thiết và hiện nay đang được nhà chức trách thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, “căn bệnh” nằm trong tâm thức của mỗi con người cũng rất quan trọng. Trong đó, có những người còn có những “căn bệnh” khác rất không hay, đó là lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, buôn bán những mặt hàng thiết yếu như khẩu trang để trục lợi.

Đầu cơ tích trữ rồi bán đắt nhằm thu tiền bất chính, đó là những hành vi và việc làm không tốt, phi đạo đức, giống như việc tự mình dẫm lên chân của chính mình. Những hành động này tạo nên những điều không hay trong xã hội, làm cho xã hội náo loạn và khiến cho dịch bệnh càng trở nên khó ngăn chặn hơn. Điều này theo thuyết nhân quả sẽ để lại những quả báo nặng nề và không tốt về sau này.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 6

Nhân quả từ nhân duyên trong thời dịch bệnh này mà tác động tới những khía cạnh khác trong xã hội, tác động tới kinh tế, tác động tới nhiều vấn đề khác. Mỗi chúng ta nên bình tĩnh, cẩn trọng và không nên coi thường, chủ quan trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Từ những điều đó, mình sẽ góp phần bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và bảo vệ cộng đồng. Nếu chúng ta, ai ai cũng tự giác về vấn đề ngăn ngừa bệnh cũng như cách ly, khu trú trong thời kỳ dịch bệnh thì khi đó sẽ không còn chuyện dịch bệnh phát sinh, hoành hành và phát tán trong lòng đất nước mình nữa. Dịch bệnh khi đó sẽ chỉ còn ở những người nhập cảnh bên ngoài về thôi. Ai ai cũng tự giác và có ý thức cao thì dịch bệnh sẽ không thể phát tán mạnh được.

Trong thời kỳ dịch bệnh mới diễn ra mà thế giới cũng không biết thì không nói, nhưng khi đã biết rồi thì tất cả mọi người chúng ta cùng tự giác thì tôi tin rằng việc ngăn ngừa và đẩy lùi căn bệnh không phải là điều khó. Việc chữa trị cho người bệnh cũng như khoanh vùng dịch cũng trở nên dễ dàng hơn.

Phóng viên: Vậy còn đối với những con người cố tình che giấu bí mật, không khai báo chính xác về thông tin y tế từ đó có thể khiến bệnh dịch lây lan thì sẽ chịu nhân quả như thế nào thưa Thượng toạ?

Thượng toạ Thích Thanh Huân: Về những người cố tình khai gian dối, không thật thà về tình hình sức khoẻ (trong thời dịch bệnh) và lịch trình đi lại của mình, gây hệ luỵ xấu khiến cho rất nhiều người trong xã hội có nguy cơ bị nhiễm bệnh, nhìn vào những điều này tôi nhận thấy rằng: từ suy nghĩ và sự sợ hãi bị cách ly, sợ hãi bị mọi người biết rằng mình mắc bệnh, những người này đã chuốc hoạ cho chính bản thân mình và mang cái hoạ đó đi gây hại cho những người thân cũng như những người khác trong xã hội.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 7

Những điều đó đã phạm vào thuyết nhân quả, điều có thể nhìn thấy đầu tiên đó là những người này sẽ phải chịu hậu quả là bị cả xã hội lên án và cũng đã vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm luật hình sự. Còn về nhân quả, những người này sẽ chuốc lấy cho mình một nghiệp báo, quả báo rất xấu về sau này. Quả báo này không chỉ tồn tại ngay trong kiếp hiện tại mà còn đi theo gánh nghiệp tương ứng trong tương lai, phải trả lại quả nghiệp mà mình đã tự dối lòng mình, gieo rắc khổ đau cho mình và cho người khác. Hệ quả mà những người này phải gánh chịu là vô cùng nặng nề và tiếp túc kéo dài đến tận sau này, khi nào trả được hết mới thôi.

Nhân quả  - nghiệp báo của Phật giáo là vô cùng công bằng. Bất kỳ điều gì khởi phát từ trong tâm, trong ý thức của mình tạo nên, thì đều chiêu cảm lấy những kết quả tương ứng trong hiện tại và trong tương lai, vì ngay trong hiện tại thì đang có cả tương lai trong đó rồi. Nghiệp quả và nghiệp báo dưới góc nhìn của Phật giáo là không ai có thể tránh khỏi được, và nó còn phụ thuộc vào việc người khởi tạo nhân ban đầu do vô tình không nhận thức được hay do hữu ý mà có mức độ nặng - nhẹ, tốt - xấu tuỳ theo.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 8

Trong Phật giáo sẽ không đưa việc không có ý thức hay không có hiểu biết của mỗi con người vào trong nghiệp báo. Trong trường hợp một người thiếu hiểu biết hoặc không ý thức được rằng mình đang bị bệnh, thì về việc họ đã gieo rắc hậu quả cho bản thân và cho xã hội là vẫn có; thế nhưng về mặt đạo đức thì trong Phật giáo không đề cập tới những trường hợp đó. Trong Phật giáo, những trường hợp đó coi như là họ không tiếp tục mang lại hậu quả cho họ trong tương lai thì không phải trong nghiệp. Chỉ có tâm, ý, thức tác động vào hành động thì mới tạo nghiệp mà thôi.

Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức hiểu được về nhân quả thì đều sẽ có ý thức trong mọi hành vi, trong mọi hành động và việc làm của mình. Trong tất cả mọi việc làm của mình mà con người đều lấy thuyết nhân quả để soi chiếu và cân nhắc rồi mới đưa tới quyết định thì sẽ không có những điều dối lòng mình. Tôi cảm thấy rất khó hiểu rằng tại sao có những người phải giấu, phải gian dối về bệnh tật của mình như vậy. Việc thành thực khi khai báo tình hình sức khoẻ của bản thân là vì quyền lợi của chính bản thân mình cơ mà, vậy mà họ còn gian dối được thì tôi cũng không hiểu tại vì sao. Những hành động đó sẽ dẫn tới nghiệp báo rất nặng.

Với những diễn biến như hiện tại, tôi tin chắc dịch dã sẽ được ngăn chặn. Tôi cũng chúc và mong Phật tử cùng tất cả mọi người luôn chân thành, thành thật trong mọi hành động, suy nghĩ, luôn đề cao quan điểm lợi ích cá nhân hài hòa với lợi ích cộng đồng.

Luật Nhân quả và chuyện ‘tạo nghiệp’ của những người gian dối trong mùa dịch ảnh 9

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Thượng toạ!

Bài: Ngọc Cương - Thùy Chi

Ảnh: Ngô Ngọc

TIN LIÊN QUAN
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.