Áp lực trên bàn nhậu của dân công sở châu Á

(Ngày Nay) - Tại các nước châu Á, rượu bia là một phần không thể thiếu của các cuộc tụ họp sau giờ làm việc, khi phần lớn mọi người quan niệm đây là dịp để dỡ bỏ rào cản giữa lãnh đạo và nhân viên trong công ty.
Áp lực trên bàn nhậu của dân công sở châu Á

Theo số liệu của WHO, thì Hàn Quốc và Việt Nam là hai nước dẫn đầu trong danh sách các quốc gia tiêu thụ rượu  bia nhiều nhất châu Á, trung bình hàng năm mỗi người dân Hàn Quốc trên 15 tuổi uống khoảng 10,9 lít đồ uống có cồn, trong khi con số này ở Việt Nam là 8,7 lít. Một số quốc gia khác có thói quen uống rượu bia tương tự là Trung Quốc (xếp thứ năm với 7,6 lít) và Nhật Bản (xếp thứ sáu với 7,5 lít).

Đặc biệt tại các nước trên, thói quen “nhậu nhẹt” của dân công sở đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều nước châu Á đến mức các lãnh đạo coi đây là dịp để đánh giá nhân viên bởi thường các công ty không có hệ thống đánh giá chất lượng nhân lực. Trong khi các nhân viên coi việc đi uống rượu, bia với cấp trên là cơ hội giúp thăng tiến trong sự nghiệp, một số người thì coi đây là nghĩa vụ bắt buộc phải tham gia.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu không nhiệt tình tham dự các buổi tụ họp có thể gây hậu quả xấu tới con đường thăng tiến trong sự nghiệp của nhiều người.

Tuy nhiên, các hoạt động tụ họp sau giờ tan tầm lại trở nên hết sức phiền phức cho các nhân viên đã có gia đình hoặc con nhỏ, đặc biệt là đối với các nhân viên nữ, khi không thể lúc nào cũng “chiều lòng” cấp trên của mình tại bàn tiệc và có nguy cơ bị đối xử bất bình đẳng tại nơi làm việc.

“Các cuộc vui này đã ảnh hưởng xấu tới thiên chức làm mẹ, làm vợ của nhiều phụ nữ khi họ phải bỏ thời gian ở ngoài nhiều hơn thay vì về nhà chăm sóc con, nhiều người đàn ông cũng không còn đủ thời gian để ở nhà phụ giúp và chăm lo cho gia đình”, Giáo sư Kumiko Nemoto thuộc Đại học Kyoto của Nhật Bản cho biết.

Những người trẻ tại châu Á đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống công sở, một mặt họ phải làm thêm sau giờ tan tầm nhằm hoàn thành công việc đúng tiến độ, mặt khác phải tham gia đầy đủ các cuộc vui cùng đồng nghiệp và cấp trên, bất chấp nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng do phải thường xuyên uống rượu bia và không được nghỉ ngơi đầy đủ.

Cô Saori Yano (26 tuổi), từng làm việc tại một công ty giới thiệu việc làm ở Tokyo, nơi cô và các đồng nghiệp phải thay phiên nhau đi chơi với người quản lý của họ vài lần một tuần sau khi hoàn thành công việc vào lúc 10 giờ tối.

"Ông ấy nói sẽ lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi trên bàn tiệc vì đã quá bận rộn trong giờ làm việc, nhưng thường thì cuối cùng chúng tôi sẽ chỉ nghe những lời khoe khoang của cấp trên", cô Yano nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phản đối việc lạm dụng rượu bia trong đời sống công sở và coi đây là một yếu tố giúp tạo dựng mối quan hệ thân mật giữa các thành viên trong công ty,

Phó giáo sư Kazuaki Yamauchi từ Đại học Aizu ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2011 bằng cách phỏng vấn 30 chủ doanh nghiệp, sau đó rút ra kết luận rằng các cuộc tụ họp sau giờ làm là dịp tốt để các cấp trên quan sát nhân viên của mình, từ việc xem cấp dưới tự sắp xếp chỗ ngồi, cho tới cách mời uống và giao tiếp tập thể. “Việc uống rượu bia như một loại dầu bôi trơn trong công việc”, ông Yamauchi kết luận.

Bà Saiko Nanri (52 tuổi) - một trong những nữ giám đốc điều hành đầu tiên của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - Mitsubishi UFJ, cho biết không phải lúc nào mình cũng phản đối việc ăn nhậu sau giờ làm việc. Khi mới gia nhập ngân hàng vào năm 1992, bà Nanri thường phải đi chơi golf với các ông chủ của mình và làm mọi thứ có thể để làm quen với văn hóa của cấp trên.

Sau khi sinh con và trở lại làm việc, bà cảm thấy khó điều chỉnh giờ giấc theo thói quen mới. "Tôi đã bị sốc khi phải rời văn phòng sớm để đến trường đón con đúng giờ. Tôi không có một hình mẫu cụ thể và không thể cân bằng giữa việc làm mẹ và công việc tại ngân hàng”, bà Nanri chia sẻ.

Thấu hiểu sự vất vả này, bà Nanri tuyên bố với các nhân viên của mình rằng sẽ không tổ chức các cuộc tụ họp sau giờ làm, bởi việc này hết sức bất công với những nhân viên có gia đình. Vị nữ giám đốc muốn nhân viên của mình dành thời gian cho bạn bè và gia đình sau giờ làm việc.

"Không phải là tôi cũng có chuyện để chia sẻ với nhân viên của mình bằng cách uống với họ mỗi ngày", bà Nanri nói.

Quan điểm của bà Nanri đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhân viên, khi nhiều người có gia đình cảm thấy không bị tước mất cơ hội thăng tiến khi bỏ qua các cuộc vui sau giờ tan tầm để lo cho con nhỏ.

Bà Nanri hy vọng rằng nhiều phụ nữ trẻ sẽ được đối xử công bằng hơn tại các công sở và cho rằng quan điểm của mình sẽ tạo ra sự thay đổi trong cách giao tiếp tại nơi làm việc ở Nhật Bản.

“Cách tiếp cận của tôi không phải là chính sách của công ty, nhưng nếu nó tạo hiệu quả tích cực trong môi trường làm việc, tôi sẽ khuyến nghị cho các bộ phận khác”, bà Nanri cho biết.

Giáo sư Nemoto cho rằng các lãnh đạo cần phải có cái nhìn khách quan trong việc tiến cử cấp dưới thông qua các hoạt động trong và ngoài giờ làm việc.

“Các cấp trên cần phải chấm dứt việc đánh giá nhân viên chỉ bằng cách thông qua hoạt động tụ tập sau giờ làm, việc đề cử cấp dưới cũng cần phải dựa trên hiệu quả công việc cũng như giao tiếp trong giờ làm việc”, Giáo sư Nemoto cho biết.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.