Sự tàn ác nhằm vào trẻ khuyết tật

(Ngày Nay) - Bạo lực học đường tiếp tục là vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tàn ác hơn, ngay cả những đứa trẻ khuyết tật cũng trở thành nạn nhân của bạo lực học đường với nguy cơ cao hơn gấp nhiều lần so với những đứa trẻ bình thường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1.  Jonathan C – một cậu bé 15 tuổi mắc chứng tự kỷ - nhiều lần trở thành nạn nhân của sự trừng phạt thân thể, một kiểu bạo lực học đường, tại trường công ở tiểu bang Floria, Mỹ. Một ngày, vì Jonathan gào thét trong căng-tin, một nam nhân viên trường học đã túm lấy Jonathan và quật cậu bé ngã sấp mặt xuống sàn nhà. Một vài nhân viên khác kéo lê Jonathan vào phòng hội thảo, sau đó họ bóp cổ làm Jonathan bất tỉnh nhân sự.

Ở tiểu bang Kentucky (Mỹ), một trợ giảng bị cáo buộc nhét Christopher Baker – đứa trẻ 9 tuổi mắc chứng tự kỷ - vào balo dây rút. Nghiêm trọng hơn, đầu năm 2012, Corey – học sinh 16 tuổi ở một trường giáo dục đặc biệt tại Yonkers, New York (Mỹ) – đã thiệt mạng vì hành vi bạo lực học đường. Vì không chịu rời khỏi sân bóng rổ, Corey bị một số nhân viên trong trường học đè xuống đất tới tắc thở. Mẹ của Corey, bà Sheila Foster, cho biết một số nhân chứng khẳng định với bà rằng Corey đã nói với các nhân viên rằng em không thở được, nhưng những người này phớt lờ và nói với Corey: “Nếu mày có thể nói, có nghĩa mày còn thở được”.

Những trường hợp như trên không phải là cá biệt tại Mỹ. Theo một điều tra do Hãng tin ABC của Mỹ công bố từ năm 2012, hàng ngàn trẻ mắc chứng tự kỷ và khuyết tật tại Mỹ đã bị thương, thậm chí hàng chục trẻ thiệt mạng vì hành vi bạo lực thô bạo của các giáo viên và nhân viên trường học. Do chưa có quy định tiêu chuẩn về cách các giáo viên có thể ngăn chặn những học sinh ngỗ ngược nên một số trường học tư ở Mỹ vẫn áp dụng các phương pháp trừng phạt thân thể (corporal punishment) như: ngồi lên người trẻ để xích tay chúng; thậm chí có trường dạy trẻ khuyết tật còn khiến trẻ choáng vì sốc điện; nhốt trẻ trong “phòng kiềm chế” nhiều giờ liền…

Sự tàn ác nhằm vào trẻ khuyết tật ảnh 1Ảnh minh họa

Tháng 6/2017, tờ The Daily Telegraph (Úc) đưa tin Bộ Giáo dục tiểu bang New South Wales (NSW) – tiểu bang đông dân nhất của Úc – thừa nhận nhiều học sinh khuyết tật đang bị lạm dụng ở tiểu bang này. Theo đó, 13 giáo viên và trợ lý đã bị kỷ luật, 01 bị đuổi việc sau khi Bộ giáo dục NSW điều tra 64 cáo buộc liên quan việc lạm dụng trẻ khuyết tật trong vòng 03 năm gần đây. Trong số các cáo buộc, có vụ việc một giáo việc phang ghế vào một học sinh tự kỷ và một hiệu trưởng dùng ô tô rượt đuổi các học sinh khuyết tật ra khỏi trường.

Ông Mark Scott – người đứng đầu Bộ giáo dục NSW – cho biết một số giáo viên “không hành động có trách nhiệm và chuyên nghiệp, dẫn đến một môi trường giáo dục gây hại cho trẻ”. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng ở NSW cũng yêu cầu có thêm sự trợ giúp để giải quyết vấn đề bạo lực do chính các trẻ bị rối loạn hành vi gây ra trong khi học ở các trường bình thường.

Trước đó, năm 2016, Liên Hợp Quốc đã nhận đơn thỉnh cầu của 55 gia đình có con khuyết tật tại Úc để điều tra tình trạng một số trường học bị cáo buộc vi phạm “phổ biến và nghiêm trọng” quyền của học sinh tàn tật. Trong số 55 trẻ khuyết tật này, có 93% mắc chứng tự kỷ và 78% là học sinh nam. Các cáo buộc bạo lực học đường nhằm vào số trẻ này gồm việc bị nhân viên nhà trường đấm, đá và kéo lê đi khắp trường trước mặt các bạn cùng lớp chỉ vì thiếu kiến thức; bị trói vào ghế; bị bỏ khát thời gian dài…

Các học sinh khuyết tật còn bị nhốt ở những nơi không phù hợp và không an toàn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như “phòng bình tĩnh”, “phòng ngừng chơi” hoặc “khu vui chơi”. Nhưng thực chất, đó là những nhà kho, tủ hoặc các tòa nhà không được sử dụng với các cửa sổ có kính bị bôi đen và không bật đèn. Những đứa trẻ này đã bị chấn thương cả về thể chất và tinh thần, bao gồm lo lắng nghiêm trọng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, bầm tím hoặc có các vết cắt lan rộng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về tình trạng trẻ em khuyết tật bị bạo hành trên thế giới (bao gồm trẻ bị dị tật bẩm sinh, tự kỷ, bị dị tật do tai nạn, xung đột, chiến tranh, do hành vi bạo hành của người lớn...). Kết quả cho thấy trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em bình thường. Người khuyết tật dễ trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc xâm hại hơn cả.

2.   Báo cáo năm 2015 của Cơ quan quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (FRA) về tình trạng bạo hành nhằm vào trẻ khuyết tật đã chỉ ra một số nguyên nhân đối tượng này dễ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường như: các nhân viên trường học và học sinh bình thường nhiều khi không hiểu khuyết tật là gì; những người trông trẻ khuyết tật thường rất mệt mỏi, căng thẳng bởi họ không được hỗ trợ đầy đủ, điều này khiến họ có lúc bạo hành trẻ; giáo viên thường không được đào tạo bài bản để dạy trẻ khuyết tật; một số trường không thay đổi cách dạy học để học sinh khuyết tật có thể hiểu được…

Báo cáo của FRA cũng nêu lên một số biện pháp giải quyết tình trạng trên. Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống luật đủ mạnh, thực sự bảo vệ và hỗ trợ trẻ khuyết tật. Để làm được điều này, các nước phải thu thập đầy đủ thông tin về trẻ khuyết tật cũng như các trường hợp bạo lực học đường nhằm vào trẻ khuyết tật. Thứ hai, các giáo viên phải được đào tạo để hiểu nhu cầu của trẻ em khuyết tật, học cách xác định và phản ứng trước bạo lực nhằm vào trẻ em khuyết tật.

Sự tàn ác nhằm vào trẻ khuyết tật ảnh 2Ảnh minh họa

Ở Hà Lan, một mạng lưới về trẻ tự kỷ đã đưa ra cẩm nang trong đó nêu rõ những hành động mà trường học cần triển khai để chống nạn bắt nạt trẻ em tự kỷ. Thứ ba, trường học cần có các chương trình dạy trẻ khuyết tật tự bảo vệ mình. Ví dụ tại Ireland, chương trình “Giải pháp an toàn” dạy trẻ bình thường lẫn khuyết tật kỹ năng đảm bảo an toàn cá nhân, gồm các biện pháp chống lạm dụng, bắt nạt, bạo lực học đường, học cách phát hiện tình huống nguy hiểm và thông báo cho người lớn.

Chương trình còn được chia thành các “tiểu chương trình đặc biệt” dành cho trẻ khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật thể chất, khuyết tật trí tuệ…Thứ tư, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật để xóa bỏ sự kỳ thị, đồng thời có những bước đi vững chắc thúc đẩy sự tham gia của trẻ khuyết tật vào các hoạt động xã hội. Ở một số nước EU, mọi người được dạy về khuyết tật. Điều này giúp họ đối xử với trẻ khuyết tật như với trẻ bình thường . Ví dụ, tại Cộng hòa Séc, dự án “Giảng dạy về sự đa dạng” giúp các học sinh tiểu học và trung học nhận thức rõ hơn về những vấn đề mà người khuyết tật phải đối mặt. Ngoài ra, dự án còn dạy học sinh giao tiếp với các bạn khuyết tật khác.

Ở Mỹ, việc kiềm chế một cách an toàn những đứa trẻ mất kiểm soát luôn là vấn đề đau đầu, kéo dài của các bậc phụ huynh có con học tại những trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ hoặc có vấn đề về phát triển hành vi. Ở những trường công bình thường, giáo viên lại càng bực mình với những đứa trẻ này bởi họ phải chăm sóc trẻ với nhu cầu đặc biệt.

Trong khi đó, nhiều trường không quan tâm đào tạo cho giáo viên và nhân viên cách xử lý khi trẻ khuyết tật (trẻ tăng động, tự kỷ…) có hành vi vượt ra khỏi tầm kiểm soát như la hét, giận dữ, đập phá đồ đạc…Hậu quả là các giáo viên, nhà quản lý trường học tự nghĩ ra những giải pháp hết sức tiêu cực, chẳng hạn trừng phạt thân thể học sinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trừng phạt thân thể ít có tác dụng trong việc ngăn chặn hành vi bạo lực của học sinh. Trái lại, nó khiến học sinh càng bị cô lập và không muốn học hành nữa. Trong một nỗ lực ngăn chặn bạo lực học đường, tính đến năm 2015, trừng phạt thân thể học sinh đã bị cấm tại các trường học công tại 31 tiểu bang của Mỹ. Thống kê của chính quyền Liên bang Mỹ cũng cho thấy việc sử dụng biện pháp trừng phạt thân thể trong các trường học đang giảm dần.

Ở Úc, việc thiếu đầu tư ngân sách là một trong những lý do khiến trẻ khuyết tật chịu rủi ro trong các lớp học. Một hiệu trường dấu tên ở trường tiểu học Sydney (tiểu bang NSW) cho biết trường có 15 học sinh khuyết tật nhưng chỉ đủ tiền để chăm sóc 4 học sinh. Trường chỉ có thể thuê một trợ lý 2 tiếng/ngày để giúp đỡ một học sinh lớp 4 mắc chứng tự kỷ thường ném đồ đạc và đấm đá lung tung. Người phát ngôn Bộ Giáo dục tiểu bang NSW cho biết hơn 1 tỷ USD/năm sẽ được rót tới 2.200 trường công ở tiểu bang này để hỗ trợ 105.000 học sinh khuyết tật.

 Ở Việt Nam, những năm qua cộng đồng xã hội cũng phát hiện được nhiều trường hợp trẻ khuyết tật bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc xâm hại và bạo hành. Từ kinh nghiệm của các nước, nhằm giảm thiểu vấn nạn xâm hại và bạo hành trẻ em , các cơ quan chức năng, gần nhất là chính quyền địa phương, các đoàn thể, hội phụ nữ, lực lượng bảo vệ quyền trẻ em của chúng ta cần có biện pháp can thiệp kịp thời, hỗ trợ để bảo vệ trẻ khi phát hiện nguy cơ và hành động xâm hại, bạo hành trẻ, nhất là trong môi trường học đường.

Các tổ chức xã hội, đơn vị truyền thông cũng cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của trẻ khuyết tật, hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận thức được việc bị xâm hại, bạo hành để lên tiếng...Ngoài ra, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội cần tham gia hỗ trợ pháp lý, bảo vệ cho trẻ trước tòa; các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp, đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng thể để bảo vệ an toàn cho trẻ em, nhất là trẻ khuyết tật.

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.