Trump thắp hy vọng lội ngược dòng trước Biden

Tỷ lệ người muốn bỏ phiếu cho Trump ở 6 bang chiến trường, nơi thường định đoạt thành bại bầu cử, gia tăng từ tháng 7 tới đầu tháng 9.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở thành phố Wilmington, bang Bắc Carolina hôm 2/9. Ảnh: AP.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở thành phố Wilmington, bang Bắc Carolina hôm 2/9. Ảnh: AP.

Công ty Redfield & Wilton Strategies trong suốt 4 tháng qua đã tổ chức thăm dò ý kiến cử tri tại 6 bang, gồm Arizona, Bắc Carolina, Florida, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, nơi Trump từng giành chiến thắng sát sao với ứng viên Dân chủ Hillary Clinton năm 2016.

Kết quả khảo sát hồi giữa tháng 7 cho thấy ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden "bỏ xa" đương kim Tổng thống Donald Trump ở tất cả 6 bang. Nếu kết quả thăm dò này phản ánh tương đối chính xác lựa chọn của người Mỹ, và khoảng cách đó được duy trì đến ngày 3/11, Biden gần như sẽ trở thành tổng thống, đặt dấu chấm hết cho hy vọng về nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng của Trump.

Song dữ liệu từ 6 bang chiến trường trong 6 tuần qua đang thắp lên hy vọng tái đắc cử rất lớn với Trump. Đội ngũ tranh cử của ông kỳ vọng xu hướng này có thể kéo dài thêm hai tháng cho đến ngày bầu cử, giúp tạo ra cú "lội ngược dòng" ngoạn mục.

Kết quả thăm dò cuối tháng 8 và đầu tháng 9 do Telegraph công bố ngày 9/9, sau khi hai đảng kết thúc hội nghị toàn quốc, chỉ ra khoảng cách lợi thế của Biden ngày càng bị thu hẹp.

Trump đã vượt lên dẫn trước Biden ở bang Bắc Carolina với khoảng cách sát sao một điểm phần trăm, theo kết quả thăm dò của Redfield & Wilton Strategies. Ông cũng thu hẹp hơn nửa khoảng cách lợi thế của Biden ở Florida, từ mức 7% hồi tháng 7 xuống còn 3% vào đầu tháng 9.

Tại hai bang Pennsylvania và Arizona, nơi Biden từng dẫn trước Trump lần lượt là 7% và 8%, khoảng cách giờ chỉ còn 5 điểm phần trăm. Lợi thế của Biden ở hai bang Michigan và Wisconsin vẫn duy trì ở mức 11 và 9 điểm phần trăm, nhưng đã giảm 1% so với hồi tháng 7.

Lý do giúp Trump thu hẹp khoảng cách với Biden hiện gây tranh cãi. Ben Riley-Smith, nhà phân tích của Telegraph, nhận định một trong các yếu tố có thể là nhờ số ca nhiễm nCoV hàng ngày ở Mỹ giảm dần từ giữa tháng 7. Trong ba ngày đầu tuần này, số ca nhiễm nCoV hàng ngày ở Mỹ đã giảm xuống dưới 30.000 người, so với mức 50.000-70.000 trước đó.

Đa số người Mỹ trước đó phản đối cách xử lý đại dịch của Trump. Nhưng việc số ca nhiễm giảm mạnh có thể khiến không ít người cảm thấy đại dịch đã bớt nghiêm trọng hơn, nên không quá để ý tới cách chống dịch của Trump như trước.

Suy nghĩ của cử tri thay đổi cũng có thể là nhờ Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC), theo Riley-Smith. Cuộc thăm dò được tiến hành ngay sau khi kết thúc RNC, đồng nghĩa thông điệp mà các thành viên đảng Cộng hòa truyền tải cũng như mức độ phủ sóng trên truyền hình của đảng này tuần trước đó có thể đã tác động lớn tới suy nghĩ cử tri.

Nhưng các chuyên gia thăm dò ý kiến và học giả lưu ý rằng trong quá khứ, hầu như không có đảng nào có thể khôi phục tỷ lệ ủng hộ nhờ hội nghị toàn quốc, bởi quan điểm của cử tri về hai ứng viên đã được định hình từ trước đó.

Song Riley-Smith cũng nhấn mạnh rằng kết quả khảo sát chỉ phản ánh suy nghĩ của cử tri trong một thời điểm, khó có thể dự đoán về kết quả bầu cử cuối cùng.

Một yếu tố khác mà nhiều nhà phân tích cho rằng có thể tác động tới quan điểm của cử tri về hai ứng viên tổng thống là kinh tế. Dù lên nắm quyền khi nền kinh tế vẫn chưa thoát "bóng ma" suy thoái và sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lệnh đóng cửa ngăn đại dịch, Trump vẫn được nhiều người đánh giá tốt hơn về khả năng chèo lái trong lĩnh vực này so với Biden.

"Động lực kinh tế là khối tài sản lớn của Trump trong thông điệp tranh cử của ông ấy, đó là ông có thể dẫn dắt chúng ta vượt qua khủng hoảng kinh tế tốt hơn bất kỳ ứng viên nào khác", Stephen Moore, cố vấn kinh tế bên ngoài của Nhà Trắng, cho hay. "Trump có thể thắng cử nếu mọi người tự tin hơn vào hướng đi hiện tại của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể giữ xu hướng lạc quan này trong hai tháng tới hay không".

"Trump từng mắc những sai lầm trong kinh doanh, tôi cũng vậy", Dale Georgeff, một doanh nhân ủng hộ Trump tại thành phố Cedarburg, bang Wisconsin, cho biết. "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ông ấy xử lý vấn đề và điều hành mọi thứ như một doanh nghiệp".

Điều này phản ánh thế mạnh của Trump trong mắt cử tri, những người coi ông như một trùm bất động sản và doanh nhân nổi tiếng đã đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong hơn ba năm cầm quyền. Trong khi đó Biden, cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, chỉ được biết đến với hình ảnh chính trị gia cống hiến gần 5 thập kỷ ở Washington.

Đây sẽ là điểm yếu mà chiến dịch của Biden sẽ phải tìm cách khắc phục trong những tuần tới, đặc biệt là nếu số ca nhiễm nCoV tiếp tục giảm và nhiều cử tri sẽ ngày càng cân nhắc xem ai mới là người phù hợp để dẫn dắt Mỹ phục hồi kinh tế.

Khi được hỏi về lĩnh vực chính sách nào ảnh hưởng tới quyết định bỏ phiếu của cử tri ở 6 bang, người Mỹ cho biết kinh tế chiếm tỷ lệ cao nhất và sau đó là chăm sóc sức khỏe. Điều này phản ánh cử tri Mỹ quan tâm đến ví tiền của họ nhiều đến mức nào.

Hầu hết cử tri ở 6 bang cũng cho biết họ không quan tâm liệu Trump hay Biden "có thể chất và tinh thần tốt hơn" khi quyết định bỏ phiếu, theo khảo sát của Redfield & Wilton Strategies.

Trump thắp hy vọng lội ngược dòng trước Biden ảnh 1

Ứng viên Dân chủ Joe Biden tại sự kiện ở thành phố Wilmington, bang Delaware hôm 2/9. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, hầu hết cử tri ở 6 bang đều cho rằng Biden sẽ xử lý đại dịch tốt hơn Trump. Đây có thể là lý do khiến chiến dịch của cựu phó tổng thống Mỹ đang cố hướng cử tri tới vấn đề đại dịch và cách phản ứng sai lầm của Trump.

"Căn nguyên của vấn đề là Trump đã sai lầm trong cuộc khủng hoảng Covid-19", Biden hôm 4/9 nói khi tuyên bố rằng Trump là nguyên nhân cho mọi vấn đề hiện tại của Mỹ.

Song kết quả thăm dò của Redfield & Wilton Strategies cũng cho thấy dấu hiệu đáng báo động khác đối với Biden, đó là nhiều cử tri ủng hộ quan điểm "luật pháp và trật tự" của Trump về tình trạng biểu tình bạo loạn ở Mỹ trong nhiều tháng qua. Hầu hết cử tri cho rằng "phá hoại tài sản là bạo lực" và "đa số cảnh sát đều tốt, chỉ có một số 'con sâu làm rầu nồi canh'". Họ cũng phản đối lời kêu gọi cắt ngân sách cảnh sát.

Những dữ liệu gần đây về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay khiến không ít chuyên gia nhận định Trump hoàn toàn có khả năng lội ngược dòng thành công.

"Bạn đã sẵn sàng đón nhận chiến thắng của Trump chưa? Bạn đã chuẩn bị tinh thần để xem Trump đánh bại đối thủ lần nữa không? Bạn có thật sự chắc chắn rằng Trump không thể chiến thắng không? Bạn có hài lòng khi tin rằng đảng Dân chủ sẽ chiến thắng?", Michael Moore, nhà quan sát chính trị Mỹ, viết trên Facebook ngày 28/8.

"Xin lỗi khi phải đưa ra thực tế này một lần nữa", Moore nói về khả năng Trump lặp lại kịch bản chiến thắng năm 2016.

Theo Vnexpress
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.