'Xin đừng coi thường tính mạng của chúng tôi!'

(Ngày Nay) - Lời đề nghị này là của một giảng viên đại học tại Washington, trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang liên tục gây sức ép buộc các trường học phải mở cửa trở lại giữa đại dịch COVID-19.
Một giáo viên biểu tình cùng các đồng nghiệp trước văn phòng học khu hạt Hillsborough, thành phố Tampa, Florida, hôm 16/7, với biểu ngữ "Đừng giết con tôi và đừng giết tôi!". Ảnh: AFP
Một giáo viên biểu tình cùng các đồng nghiệp trước văn phòng học khu hạt Hillsborough, thành phố Tampa, Florida, hôm 16/7, với biểu ngữ "Đừng giết con tôi và đừng giết tôi!". Ảnh: AFP

(Bài viết trích dẫn quan điểm của Rebecca Martinson, giảng viên tại Học viện Kỹ thuật và Hướng nghiệp Northwest, Mount Vernon, Washington, Mỹ)

Mỗi ngày đi làm với tư cách là một giáo viên trường công, tôi đều chuẩn bị sẵn tinh thần nhận những viên đạn từ một khẩu súng để cứu học sinh của mình. Đó là những gì công việc của tôi yêu cầu, trong thời đại các vụ xả súng trong trường học ngày càng gia tăng. Nhưng yêu cầu tôi phải trở lại trường học giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành chẳng khác gì bắt tôi phải mang những viên đạn đó về gia đình mình.

Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ làm thế. Đừng ai mong chờ tôi sẽ thay đổi quyết định này.

Sau khi làm y tá, tôi trở thành một nhà giáo dục. Chuyên môn của tôi là khoa học y tế và điều dưỡng. Tôi đang giảng dạy cho học sinh lớp 11 và 12 tại một trung tâm kỹ năng tại địa phương, phục vụ học sinh từ 22 trường trung học khác nhau ở 13 khu học khác nhau.

Học khu và trường học của tôi đang cân nhắc trở lại dạy và học trực tiếp trên lớp vào mùa thu. Tuy chính quyền đã yêu cầu phải thực hiện việc này một cách cẩn thận và chủ động, tôi vẫn không thấy có cơ sở nào để yên tâm rằng mình sẽ được đảm bảo an toàn khi quay lại lớp học.

'Xin đừng coi thường tính mạng của chúng tôi!' ảnh 1

Ngày 29/6, một giáo viên đang thu dọn đồ đạc của của mình bị bỏ lại từ khi các trường học ở New York bị đóng cửa vào tháng 3. (Ảnh: The New York Times)

Hơn 75 nhân viên của Sở Giáo dục thành phố New York đã chết vì COVID-19. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng việc quay trở lại với hình thức dạy học truyền thống trên lớp sẽ tiếp tục gia tăng “đỉnh lây nhiễm" của COVID-19 tại Mỹ. Rủi ro vẫn ở mức cao nếu không áp dụng phương pháp giữ khoảng cách giữa các sinh viên trong lớp học.

Theo CDC, học trực tuyến là phương pháp ít rủi ro nhất. Tôi thực sự không hiểu nổi vì sao chúng ta lại chọn những phương pháp nhiều rủi ro hơn, thay vì phương pháp này.

Việc tụ tập tại các bữa tiệc, trại hè và nhà thờ trong mùa hè vừa qua là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dữ dội của COVID-19 như hiện nay. Không lẽ chính quyền không lo lắng rằng điều tương tự có thể xảy ra vào mùa thu này nếu chúng ta mở cửa lại các trường học? Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi nếu có thêm nhiều người phải chết vì dịch bệnh, và mình có thể là một trong số đó.

'Xin đừng coi thường tính mạng của chúng tôi!' ảnh 2

Lớp học trống không trước thời điểm bang Ohio công bố đóng cửa toàn bang để ngăn ngừa lây lan virus corona ngày 13-3-2020 tại West Milton, Ohio. Ảnh: Reuters

Tôi hoàn toàn hiểu tại sao phụ huynh và chính quyền muốn học sinh và sinh viên trở lại trường học. Mọi người đều cảm thấy khổ sở, thậm chí là thấy hình thức học trực tuyến thật vô nghĩa khi phương pháp này bắt đầu được triển khai vào tháng 3. Tuy vậy, một thời gian sau, chúng tôi đã tìm ra cách phù hợp để giảng dạy trực tuyến với các học sinh, sinh viên ở khu vực Tây Bắc Washington. 

Trong thời gian học hè, tôi đã phát trực tiếp các bài giảng của mình tại nhiều địa điểm khác nhau: các khu cắm trại, phòng khách, hay phòng ngủ được trang hoàng bởi đèn nhấp nháy và các poster. Thỉnh thoảng, lớp học còn có một vài vị khách như thú cưng và các anh chị em của tôi.

Tôi không phủ nhận rằng đó là một khoảng thời gian khó khăn. Hôm qua, tôi đã rất vui khi chứng kiến những khuôn mặt tuổi teen đáng yêu phá lên cười qua màn hình máy tính, khi tôi dùng khủng long bạo chúa để ví dụ về cách mà hệ thống thần kinh giao cảm báo trước cho chúng ta về những nguy hiểm sắp xảy ra. Nhưng thật lòng mà nói, tôi ước mình đang đứng tại lớp học, một trong những nơi yêu thích nhất của tôi trên thế giới này. Ví dụ về khủng long bạo chúa sẽ hay ho hơn nhiều khi được miêu tả trực tiếp qua dáng đi “khủng long" của tôi. 

Tôi thực sự cảm thấy nhớ những sinh viên của mình.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là các em thích nghi với việc học từ xa rất nhanh. Mùa hè này, tôi đã dạy một lớp học thực hành đặc biệt về các kĩ năng như phân loại nhóm máu, khâu các vết thương và nhận biết cách hệ thống giác quan hoạt động. Tôi còn dạy về dịch tễ học và cách xử lý nhiễm trùng. Sinh viên không chỉ biết vì sao cần phải đeo khẩu trang, mà còn biết cách đeo như thế nào cho đúng. Trước đây, tôi sẽ hướng dẫn sinh viên trực tiếp bằng tay. Còn bây giờ, tôi sử dụng máy quay GoPro. Hiển nhiên là sẽ khó khăn hơn, nhưng các em vẫn đang cố gắng tiếp thu kiến thức.

Quan trọng nhất, chúng tôi - những học sinh, sinh viên và giáo viên, đều được an toàn khi dạy và học trực tuyến. Vì vậy, nếu được yêu cầu phải quay trở lại trường học giữa đại dịch, tôi sẽ kiên quyết từ chối. 

'Xin đừng coi thường tính mạng của chúng tôi!' ảnh 3

"Đức, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển và nhiều nước khác vẫn mở cửa trường học mà có vấn đề gì đâu!" - Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trên Twitter hôm 8/7. Ảnh: Twitter

Tôi sẽ không góp phần vào sự lây lan của virus, thứ sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của những đứa trẻ và gia đình chúng. Cho dù thống kê cho thấy người trẻ ít có nguy cơ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 hơn người trưởng thành và người cao tuổi, nhưng vi-rút này có thể gây nên hội chứng viêm đa hệ thống ở người trẻ. Hơn nữa, nhiều sinh viên của tôi có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đang sống trong một gia đình nhiều thế hệ - những điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của dịch bệnh.

Việc chính quyền yêu cầu các giáo viên phải đầu tư mua thiết bị và đồ dùng học tập cho trường là một sự không công bằng, cho dù chúng tôi vẫn sẽ làm điều đó. Việc yêu cầu chúng tôi phải coi bản thân mình như những tấm khiên chắn đạn cho học sinh cũng không hề công bằng chút nào - chúng tôi đâu phải là lính chiến, cho dù tôi vẫn sẽ làm vậy nếu có một vụ xả súng xảy ra.

Nhưng tôi phải khẳng định rõ điều này: tôi sẽ không làm chuột bạch cho một thử nghiệm khoa học lớn nhưng không cần thiết. Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó.

Theo The New York Times
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.