Điền kinh Việt Nam: Thành tích ngất ngưởng, kinh phí lẹt đẹt (?!)

[Ngày Nay] - Ở hai kỳ SEA Games gần nhất, điền kinh Việt với 17 và 16 HCV đã không chỉ giành ngôi nhất môn một cách tuyệt đối mà còn đóng góp tới 1/4 tổng thành tích cho đoàn TTVN. Tại ASIAD 2018, môn thể thao này cũng mang về 2/5 HCV. Thế nhưng, điền kinh Việt Nam đang có nhận đầu tư kinh phí thấp và thiếu tới mức khó tin, chỉ từ 120 – 140 nghìn USD mỗi năm.
Nguyễn Thị Oanh (843) trên đường chạy 3.000m VCN - Ảnh: Reuters
Nguyễn Thị Oanh (843) trên đường chạy 3.000m VCN - Ảnh: Reuters

Chiến tích “rẻ” nhất tại ASIAD 2018

Tại ASIAD 2018, tuyển thủ điền kinh Bùi Thị Thu Thảo đã đoạt tấm HCV lịch sử cho TTVN ở nội dung nhảy xa nữ. Một chiến tích xứng đáng, thuyết phục, mang dấu ấn của đẳng cấp thực sự. Các đối thủ của Thảo, hay những chuyên gia, chắc hẳn sẽ phải kinh ngạc nếu biết rằng ngôi sao số 1 này đã tập huấn, thi đấu, cọ xát, chuẩn bị cho đại hội theo cách riêng biệt, với mức kinh phí khiêm tốn đến mức khó tin.

Thay vì ở các trung tâm thể thao hàng đầu với sự hỗ trợ tốt nhất, trong suốt quá trình chuẩn bị thì Thu Thảo lại chỉ tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Nhổn, dưới sự dẫn dắt của thầy nội và chỉ có khoảng 2 tuần sang Côn Minh Trung Quốc tập huấn để thay đổi không khí. Kể từ đầu năm 2018, Thảo cũng chỉ thi đấu đúng 2 giải quốc tế cùng 1 giải quốc nội.

Theo tính toán, nếu không tính các khoản cứng như tiền công, tiền ăn, trang thiết bị dụng cụ… thì tính ra đầu tư cho “cô gái Vàng” này chưa đến 200 triệu đồng. Và tấm HCV của Thảo chắc chắn là chiến tích “rẻ” nhất tại ASIAD 2018.

Thảo đã chiến thắng nhờ tài năng, ý chí, bản lĩnh và khát khao chứ không phải nhờ sự khác biệt đầu tư cho một VĐV chuyên nghiệp thi đấu đỉnh cao.

Tương tự như Thu Thảo, tài năng trẻ 3000m vượt chướng ngại vật Nguyễn Trung Cường cũng là một  trường hợp điển hình như thế. Sau khi xuất sắc giành tấm HCĐ Giải vô địch châu Á, “chân chạy” quê Hà Tĩnh còn bất ngờ lọt vào tới chung kết, đứng hạng 11 giải U20 thế giới, đứng đầu châu Á. Đáng nói hơn, thông số thành tích 9 phút 04 giây 38 của Cường còn phá kỷ lục quốc gia tồn tại 14 năm, đồng thời áp sát mức HCV SEA Games 29. Và trên thực tế, đến SEA Games 30, Cường đã đoạt HCB, mà nói chính xác hơn anh đã để vuột ngôi đầu chỉ do thiếu kinh nghiệm thi đấu.

Nhìn lại hành trình khó tin của Trung Cường, mới thấy rõ chuyện đầu tư cho các tài năng trẻ của điền kinh Việt thảm như thế nào. Ngay cả khi “viên ngọc thô” được giới thiệu lên ĐTQG, liên tục tạo nên những bước thăng tiến hiếm có, thì Cường cũng chỉ được nhìn nhận, chăm lo một cách vô cùng bất cập. Cường chưa từng biết đến tập huấn nước ngoài, cả dài lẫn ngắn hạn. Cường cũng chưa từng dự tranh một giải nào theo kiểu cọ xát, mà chỉ thi đấu một vài giải chính thức.

Đóng góp 1/4 tổng thành tích, nhận đầu tư... 1/30

Thu Thảo hay Trung Cường chỉ là hai điển hình trong hàng loạt gương mặt xuất sắc của điền kinh Việt Nam đang phải gồng mình vượt khó chịu khổ.

Điền kinh Việt Nam: Thành tích ngất ngưởng, kinh phí lẹt đẹt (?!) ảnh 1

Tuyển thủ điền kinh Bùi Thị Thu Thảo.

Từ nhiều năm qua, điền kinh luôn là môn duy trì việc tập huấn các tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ trẻ quốc gia với số lượng đông nhất trong các môn (70-90 người). Đây cũng là ĐTQG dự tranh SEA Games và ASIAD với số lượng nhiều nhất, đơn cử SEA Games 30 là 40 tuyển thủ.

Thế nhưng một nghịch lý, tổng kinh phí mà bộ môn điền kinh nhận được từ ngành thể thao mỗi năm cho tất cả các hoạt động xuất ngoại tập huấn thi đấu chỉ 120 đến 140 nghìn USD. So sánh đơn giản, số kinh phí này kém mức đầu tư cho một mình kình ngư Ánh Viên trong một năm tập huấn tại Mỹ (160- 180 nghìn USD), chỉ ngang và thua nhiều môn có số lượng tuyển thủ ít hơn, và đáng nói hơn chỉ tiêu thành tích thấp hơn nhiều. Xét ở mặt khả năng gánh vác và thành tích cụ thể, đây là một sự bất công cực lớn cho điền kinh Việt Nam. Một môn đoạt 16-17 HCV, chiếm 1/4  tổng thành tích của cả đoàn TTVN tại SEA Games không có lý do gì để được đầu tư ngang với một môn chỉ đoạt 2-3, thậm chí không có HCV nào.

Với số lượng tuyển thủ đông và khoản kinh phí đầu tư thấp như thế, những người làm điền kinh Việt Nam, không còn cách nào khác đành phải chọn cách cố gắng ưu tiên cho một số tuyển thủ trọng điểm ở mức hợp lý, hiệu quả nhất có thể. Những Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan cũng chỉ được dự tranh một vài giải chính thức trong hệ thống, kèm theo một hai chuyến tập huấn nước ngoài “giá rẻ” chủ yếu để thay đổi không khí, tạo động lực. Và dĩ nhiên, đối tượng chịu thiệt thòi nhất ở đây chính là các tuyển thủ trẻ, kể cả các tài năng đặc biệt như Trung Cường.

Chuyện kinh phí của điền kinh Việt Nam càng trở nên bức bách với sự yếu kém trong xã hội hóa, vận động tài trợ, rõ nhất với vai trò mờ nhạt của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Và nó đang giống như một “gọng kìm” ngăn trở sự bứt phá của môn thể thao số 1, lâu nay vẫn đang thành công bằng nỗ lực vượt khó chịu khổ, cách làm.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.